Nuôi trồng thủy sản - khai thác hiệu quả vùng ngập lòng hồ thủy điện
(BLC) - Xây dựng các thủy điện sẽ hình thành các vùng ngập lòng hồ rộng lớn, đây là vùng tiềm năng kinh tế nếu khai thác đúng cách.
Đồng chí Lê Trọng Quảng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh (thứ 3 từ phải sang) cùng Đoàn cán bộ Sở No&PTNT tỉnh tham quan mô hình nuôi cá tầm tại Na Hang (tỉnh Tuyên Quang). |
Các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang đã và đang khai thác hiệu quả diện tích vùng ngập lòng hồ thủy điện Thác Bà, Na Hang.
Với hàng chục ngàn hécta mặt nước khi các thủy điện: Sơn La, Bản Chát, Huội Quảng, Lai Châu, Nậm Dê, Chu Va, Nậm Na 1 – 2 hoàn thành, tỉnh ta có diện tích mặt nước lòng hồ tương đối lớn. Để có lời giải cho bài toán hiệu quả kinh tế từ diện tích vùng ngập lòng hồ, tỉnh ta cần tham khảo, học hỏi kinh nghiệm từ các tỉnh bạn trong khu vực.
Hồ Thác Bà (tỉnh Yên Bái) là một trong những vùng lòng hồ được hình thành sớm nhất vùng Tây Bắc. Khai thác lợi ích kinh tế từ lòng hồ đã được tỉnh Yên Bái triển khai khá bài bản từ nhiều năm nay với nhiều mô hình đan xen: nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch lòng hồ.
Với hơn 230km2 mặt nước, hồ Thác Bà từng là vựa cá lớn, với sản lượng hàng chục tấn cá/năm, cung cấp cho một số tỉnh miền núi phía Bắc. Hiện nay, việc nuôi trồng thủy sản tại hồ Thác Bà đã được tỉnh Yên Bái chuyển đổi huớng sản xuất. Song song với việc nuôi thả các loại cá: trắm, chép, mè đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong tỉnh và một số địa bàn lân cận; tỉnh Yên Bái đã mạnh dạn đầu tư nuôi thả cá tiểu bạch - loại cá có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế rất cao khi được xuất khẩu ra nước ngoài. Tận dụng độ sâu của hồ Thác Bà, Yên Bái đã thí điểm nuôi cá tầm, sản phẩm trứng cá đen từ cá tầm xuất khẩu có giá trị kinh tế cao (từ 1.000 – 6.000 USD/kg). Hiện nay cá tầm nuôi trong lồng ở hồ Thác Bà đã bắt đầu cho thu hoạch trứng cá, điều này sẽ là tiền đề để Yên Bái nâng cao hiệu quả kinh tế từ hồ Thác Bà khi mô hình này được nhân rộng. Bên cạnh nuôi trồng thủy sản, hồ Thác Bà còn có tiềm năng du lịch, hàng năm thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách tới tham quan.
Hồ Thủy điện Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) cũng cho chúng ta nhiều bài học trong cách thức quản lý, khai thác. Thủy điện Na Hang có lòng hồ hơn 8.000ha, tiềm năng lớn về nuôi trồng thủy sản, thay bằng hình thức nuôi thả trực tiếp xuống hồ đòi hỏi lượng vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn lâu, nuôi thả cá trên hồ Na Hang chủ yếu bằng hình thức nuôi cá lồng. Bên cạnh các giống: chép, rô phi, trắm, cá chim… thời gian gần đây nuôi cá lồng được thí điểm với cá chiên, cá lăng. Đây là các giống cá tự nhiên có giá trị kinh tế, giá trị dinh dưỡng cao đã được nuôi thành công trong tại hồ Na Hang. Qua trò chuyện với các chủ lồng cá ở hồ Na Hang chúng tôi thấy cũng có nhiều kinh nghiệm để tỉnh ta học hỏi.
Chị Nguyễn Thị Liên - Chủ nhiệm HTX Hoa Sen (một trong những chủ cá lồng lớn tại hồ Na Hang) cho biết: “Chi phí cho một lồng cá không lớn, vật liệu làm lồng nuôi chủ yếu dùng tre, nứa và gỗ. Bình quân một lồng (chưa kể giống cá) đầu tư khoảng gần 30 triệu đồng. Được biết thức ăn cho cá lồng là cá tạp đánh bắt tại hồ, sau đó nấu lẫn với ngô, khoai, sắn. Chi phí thức ăn cho cá không tốn kém, bởi nguồn cá tạp ở các hồ rất lớn, kéo vó đèn có thể đánh bắt khoảng 3- 5 tạ mỗi đêm, đảm bảo thức ăn nuôi cá lồng”.
Chị Liên cho biết thêm, nuôi 80 lồng cá, mỗi năm chị xuất hơn 10 tấn cá, thu lãi bình quân hơn 200 triệu đồng/năm. Việc khai thác mặt nước, nuôi trồng thủy sản tại các hồ thủy điện đem lại hiệu quả quả kinh tế cao có thể áp dụng ở tỉnh ta.
Theo đồng chí Lê Trọng Quảng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu: “Tỉnh ta sau khi nước ở các hồ thủy điện dâng lên, diện tích mặt nước rất lớn, có tiềm năng về nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi cá lồng. Trong tương lai, nghề nuôi cá lồng sẽ giúp các hộ dân tái định cư các thủy điện có thu nhập chính đáng, phát triển kinh tế hộ gia đình. Sản phẩm từ cá lồng sẽ góp phần giải quyết nhu cầu thực phẩm trên địa bàn. Bên cạnh đó, khai thác và thu hút du lịch trên các hồ nếu thực hiện bài bản, kết hợp, đan xen nhiều sản phẩm du lịch cũng đem lại hiệu quả kinh tế lớn”.