Lịch sử phát triển
Văn phòng hành chính nhà nước các cấp tỉnh Lai Châu qua các thời kỳ
 
Cán bộ công chức Văn phòng UBND tỉnh.     Ảnh: Huy Dương
 
 Trong lịch sử 100 năm thành lập tỉnh Lai Châu, theo yêu cầu của từng thời kỳ cách mạng, tỉnh Lai Châu đã nhiều lần được sáp nhập và chia tách. Đến ngày 27/10/1962, tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá II đã ra Nghị quyết đổi tên Khu tự trị Thái – Mèo thành Khu tự trị Tây Bắc và thành lập lại 3 tỉnh trong Khu: Lai Châu, Nghĩa Lộ và Sơn La. Trong đó, Nghĩa Lộ tỉnh mới, còn Sơn La và Lai Châu là tái lập. Từ đó Lai Châu có bộ máy chính quyền hành chính cách mạng riêng và có Văn phòng giúp việc, là tiền thân của Văn phòng HĐND, UBND các cấp sau này.
 
Một góc TP Lai Châu ngày nay. Ảnh: Huy Dương
 

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XI đã ra Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính, chia tách tỉnh Lai Châu thành 2 tỉnh: Điện Biên và Lai Châu. Tỉnh Lai Châu mới có 01 thị xã Lai Châu và 05 huyện gồm: Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Tè, Than Uyên. Giúp việc cho chính quyền, cơ quan Văn phòng đã được thành lập tương ứng ở các địa phương này.Văn phòng HĐND- UBND huyện Sìn Hồ, Mường Tè vẫn giữ nguyên như khi chưa chia tách, tái lập tỉnh; Văn phòng huyện Than Uyên được sáp nhập từ tỉnh Lao Cai về tỉnh Lai Châu. Cùng với các cơ quan Đảng, chính quyền, Văn phòng huyện Tam Đường, Phong Thổ, Thị xã Lai Châu được thành lập năm 2004, Văn phòng huyện Tân Uyên được thành lập năm 2009 sau khi có Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính của Chính phủ.

Văn phòng HĐND – UBND tỉnh được thành lập từ ngày 01/1/2004. Chấp hành sự điều động của Tổ chức, tháng 12/2003, 13 cán bộ, công chức Văn phòng tỉnh Lai Châu (cũ) đã lên đường nhận nhiệm vụ tổ chức hoạt động của cơ quan Văn phòng, giúp việc cho Thường trực HĐND – UBND tỉnh bắt tay vào xây dựng Lai Châu mới. Ngày đầu khó khăn gian khổ, trong điều kiện cơ sở vật chất hầu như chưa có gì, thiếu thốn từ trang thiết bị làm việc đến điều kiện ăn ở, sinh hoạt, giá cả tăng cao, thời tiết khí hậu khắc nghiệt. Trong khii đó đội ngũ cán bộ chuyên viên giúp việc chỉ có 2 người là đ/c Vũ Mạnh Hùng – giúp việc cho đ/c Nguyễn Minh Quang, Chủ tịch UBND tỉnh và đ/c Lê Thanh Hải – giúp việc cho đ/c Lỳ Khai Phà, Chủ tịch HĐND tỉnh. Các Bộ phận tiếp Công dân, Phòng Hành chính đều thiếu, mỗi người làm việc bằng 2, bằng 3. Song, Lãnh đạo Văn phòng lúc bấy giờ gồm 02 đ/c: đ/c Quách Thế Phường – Chánh Văn phòng, đ/c Đặng Trần Thắng – Phó Văn phòng đã kịp thời động viên cán bộ cùng một lúc tổ chức phục vụ hoạt động của HĐND tỉnh và công tác chỉ đạo điều hành UBND tỉnh. Trong năm 2004, năm đầu tiên chia tách tỉnh, Văn phòng đã tham mưu cho HĐND lâm thời tỉnh họp 1 kỳ bất thường để kiện toàn bộ máy tổ chức, họp 2 kỳ thường kỳ; ban hành hàng loạt các chính sách làm nền móng cho sự ổn định và phát triển KT- XH của tỉnh ta sau này, như: Chính sách khuyến khích thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, chính sách hỗ trợ phát triển nông – lâm nghiệp, chính sách cấp đất làm nhà ở, hỗ trợ tiền thuê nhà cho Cán bộ - CNVC…Giúp việc cho UBND tỉnh triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Tỉnh Đảng bộ, Nghị quyết của HĐND tỉnh đã đề ra.
 
Đến tháng 4/2005, thực hiện Nghị định 133 của Chính phủ và Nghị quyết số 545 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng HĐND – UBND tỉnh Lai Châu được chia tách thành Văn phòng Đoàn ĐBQH & HĐND tỉnh và Văn phòng HĐND tỉnh.
 
Cán bộ, công chức Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh. 
Ảnh: Nguyễn Đức.
 
Qua 6 năm hoạt động, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh đã tham mưu, giúp việc cho HĐND tỉnh tổ chức được 17 kỳ họp, ban hành được 181 Nghị quyết, trong đó có 98 Nghị quyết chuyên đề, số còn lại là Nghị quyết thường kỳ. Hàng năm, tiếp nhận xử lý trên 1000 văn bản, phục vụ gần 70 đoàn giám sát, tiếp xúc cử tri, hội họp làm việc của Thường trực, các Ban và đại biểu HĐND tỉnh. Tổ chức phục vụ tốt Đoàn đại biểu QH tỉnh đi họp Quốc hội, đi giám sát, đi tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp; phối hợp với các cơ quan, địa phương tạo điều kiện cho các Đoàn giám sát của Quốc hội thực hiện các cuộc giám sát theo chuyên đề.
 
Bộ phận Văn thư Văn phòng UBND tỉnh. Ảnh: Huy Dương.

Văn phòng UBND tỉnh đã thực hiện tốt 2 nhiệm vụ cơ bản là tham mưu, giúp việc và phục vụ cho Thường trực UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành. Hàng năm đã tổng hợp, tham mưu cho UBND tỉnh xử lý trên 17.000 văn bản đến, ban hành trên 5.000 văn bản các loại. Tham mưu UBND tỉnh xây dựng, rà soát chỉnh sửa, bổ sung các cơ chế, chính sách phát triển KT-XH; bám sát cơ sở, làm tốt việc kiểm tra, đôn đốc các cấp các ngành thực hiện nhiệm vụ phát triển KT- XH. Chuẩn bị đầy đủ kinh phí, điều kiện làm việc, phương tiện phục vụ quản lý điều hành của UBND, Chủ tịch UBND tỉnh đúng chế độ, an toàn người, tài sản.

Văn phòng HĐND – UBND các huyện, thành phố trong tỉnh đã tham mưu, giúp việc cho Thường trực HĐND – UBND cấp mình triển khai tốt nhiệm vụ, kế hoạch hàng năm. Văn phòng HĐND – UBND TP Lai Châu, huyện Tam Đường, huyện Phong Thổ làm tốt việc tham mưu, giúp việc, đôn đốc, kiểm tra trong việc phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, cấp đất cho cán bộ, CNVC. Văn phòng huyện Sìn Hồ, Mường Tè làm tốt việc giúp Thường trực HĐND – UBND huyện phát triển cao su, trồng rừng, gắn với bảo vệ giữ gìn trật tự an toàn xã hội – an ninh, chủ quyền biên giới. Văn phòng các huyện Than Uyên, Tân Uyên tập trung tham mưu vào phát triển cây chè thành thương hiệu đặc trưng, phát triển vùng nông nghiệp năng suất cao gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ. Tham mưu giúp HĐND – UBND các huyện, thị ban hành Nghị quyết, Quyết định tổ chức thực hiện nhanh, hiệu quả, chất lượng công tác di dân tái định cư Thuỷ điện Sơn La, Huổi Quảng, Bản Chát, Lai Châu; chương trình xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững; Chương trình kiên cố hoá trường lớp học; Bệnh viện huyện, Phòng khám đa khoa khu vực.

Đến nay, Văn phòng từ tỉnh đến các huyện, thị đã từng bước được kiện toàn, cả về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc và tổ chức bộ máy, cán bộ. Văn phòng UBND cấp tỉnh đã thành lập các Phòng, Trung tâm, đơn vị trực thuộc; Văn phòng các huyện, thị đã phân công cho từng lãnh đạo VP giúp việc chuyên sâu cho Thường trực UBND, bố trí các chuyên viên có trình độ, có chuyên môn, có kinh nghiệm làm tham mưu, giúp việc.
Có thể thấy, trong những năm qua với ý chí quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao, Văn phòng hành chính nhà nước các cấp tỉnh Lai Châu đã góp một phần nhỏ cùng với Đảng bộ, chính quyền, cán bộ, chiến sỹ, nhân dân các dân tộc, tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của Đảng và Chính phủ từng bước khắc phục khó khăn, xây dựng Lai Châu đạt được những thành tựu quan trọng, mở ra một hướng đi mới cho Lai Châu trong phát triển các khu kinh tế, du lịch và dịch vụ.
Bản đồ địa giới hành chính
Dịch vụ công trực tuyến
Dịch vụ công trực tuyến
Thống kê truy cập
Hôm nay : 55
Hôm qua : 224
Tổng số : 2.412.422,59