Khắc phục khó khăn triển khai công tác Kiểm soát thủ tục hành chính
Kiểm soát thủ tục hành chính theo Nghị định số 63/2010/NĐ - CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ là một trong những mục tiêu trọng tâm để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính nói chung. Đối với tỉnh ta, thời gian qua, công tác kiểm soát thủ tục hành chính cũng đã từng bước đi vào quy củ, mang lại những hiệu quả bước đầu như rút ngắn thời gian giải quyết công việc cho dân; các loại thủ tục hành chính đều được công khai; giảm bớt các loại phí và lệ phí không cần thiết…
Tuy nhiên, qua kiểm tra của UBND tỉnh thì tại nhiều cơ quan, đơn vị vẫn còn có sự lúng túng, thực hiện chưa nghiêm về công tác kiểm soát Thủ tục hành chính, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Theo báo cáo số 80/BC -UBND ngày 27/5/2011 của UBND tỉnh về “Kết quả kiểm tra việc kiểm soát thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh” cho thấy, bên cạnh mặt tích cực thì các cơ quan, đơn vị hành chính vẫn còn không ít hạn chế trong việc thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính.
Theo báo cáo thì đến nay, hầu hết các sở, ban, ngành và UBND các huyện, xã đều đã nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung về kiểm soát thủ tục hành chính. Các quy định về thực hiện kiểm soát thủ ục hành chính cũng đều được phổ biến, quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức. Việc niêm yết công khai bộ thủ tục hành chính cũng được thực hiện nghiêm chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong quá trình giải quyết công việc. Trong quá trình giải quyết hồ sơ cho cá nhân, tổ chức, hầu hết các cơ quan, đơn vị đều tuân thủ bộ thủ tục hành chính về phần hồ sơ, thời gian thực hiện, điều kiện phí, lệ phí…Hầu hết bộ phận “một cửa” của các cơ quan, đơn vị đều đi vào hoạt động ổn định. Một số đơn vị còn ứng dụng “một cửa điện tử” để phục vụ nhu cầu công tác và giải quyết công việc cho dân như huyện Tam Đường, Thị xã Lai Châu...
Tuy nhiên, từ kết quả kiểm tra cũng cho thấy, lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị vẫn còn chưa quan tâm tới việc chỉ đạo thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức còn chưa hình dung được công tác kiểm soát thủ tục hành chính, nên khi được giao nhiệm vụ hoặc triển khai thực hiện còn lúng túng, gây vướng mắc trong quá trình giải quyết công việc cho dân. Việc niêm yết công khai bộ thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị khác nhau còn chưa đồng bộ, chưa thống nhất. Cụ thể, có những đơn vị chỉ niêm yết danh mục thủ tục hành chính, các loại phí, lệ phí… mà không công khai phần hồ sơ hoặc có niêm yết phần hồ sơ, nhưng còn thiếu thành phần. Cùng với đó, việc triển khai thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa” liên thông tại nhiều cơ quan, đơn vị còn mang nặng tính hình thức hoặc chưa thực sự đồng bộ. Tại bộ phận “một cửa” của một số đơn vị còn chưa bố trí cán bộ hoặc bố trí không đúng với Quy chế “một cửa” theo Quyết định số 93/QĐ-TTg ngày 22-6-2007 của thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, trong quá trình tiếp nhận và xử lý công việc cho dân, một số cơ quan, đơn vị đã không tuân thủ bộ thủ tục hành chính khi cố tình nhận dư thành phần hồ sơ, kéo dài thời gian giải quyết, nhất là trong các lĩnh vực về đất đai, cấp phép đầu tư, giải quyết chế độ chính sách… Mặt khác, sự kết hợp giữa các sở, ngành, đơn vị liên quan trong công tác lưu chuyển hồ sơ còn chưa đồng bộ, chưa thống nhất và thường xuyên xảy ra tình trạng tập trung hồ sơ với số lượng lớn rồi mới chuyển cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Thậm chí, có những đơn vị, cá nhân còn gây áp lực cho người dân bằng cách kéo dài thời gian giải quyết công việc, trả lại hồ sơ không đúng thẩm quyền, tỏ thái độ hách dịch, gây nhũng nhiễu dân.
Theo đồng chí Lê Thanh Hải – Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh cho biết: “Ngoài lý do chủ quan của các cơ quan, đơn vị thì chính công tác chỉ đạo, điều hành thiếu quyết liệt, chưa đến nơi, đến chốn của các cấp, các ngành là nguyên nhân làm cho công tác kiểm soát thủ tục hành chính còn tồn tại những mặt hạn chế. Việc kiểm soát thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng hệ thống các quy định hành chính là nhiệm vụ chung, nên đòi hỏi phải có sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống hành chính nhà nước trên địa bàn chứ không riêng gì của từng bộ phận, cá nhân nào. Từ cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính cho tới các bộ phận trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính đều phải có sự tham gia đồng bộ, sâu sát với thực tiễn công việc và nhu cầu giải quyết công việc của nhân dân. Do đó, để triển khai thành công nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính, đòi hỏi lãnh đạo các cơ quan, đơn vị phải tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát; cán bộ, công chức và viên chức phải nhận thức rõ ràng, xuyên suốt về hệ thống hành chính. Có như vậy mới có thể nâng cao được chất lượng hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính trong quản lý Nhà nước và phục vụ nhân dân”.
Nguồn:vpubnd.laichau.gov.vn Copy link