Kết quả thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg, ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về an toàn thực phẩm

Trong thời gian qua Các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, bảo đảm ATTP theo Chỉ thị số 13/CT-TTg.
Vai trò trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị về công tác bảo đảm ATTP có nhiều chuyển biến tích cực. - Hoạt động thông tin, truyền thông được tăng cường triển khai, giúp cho nhà quản lý, người sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và người dân từng bước thay đổi nhận thức và hành vi trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng theo chiều hướng có lợi cho sức khỏe.
Công tác thông tin, giáo dục truyền thông, phổ biến kiến thức về ATTP đã được các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm đẩy mạnh cả về hình thức, nội dung, kịp thời phản ánh các vấn đề liên quan đến ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng, kết quả:
- Phát thanh trên loa phát thanh các xã, phường, thị trấn 174 lượt; truyền thông trực tiếp tại cộng đồng được 136 buổi với 4.095 lượt người nghe; tuyên truyền trên Đài Phát thanh và Truyền hình 04 lượt; nói chuyện lồng ghép 641 buổi với 19.199 lượt người nghe; in, cấp phát 2.340 tờ poster về 10 nguyên tắc vàng; phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm; 4.190 tờ gấp tuyên truyền về ATTP.
- Tổ chức 04 lớp tập huấn kiến thức về VSATTP cho các cán bộ quản lý chất lượng ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp tại xã, phường, thị trấn và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến nông, lâm thủy sản cho 150 học viên.
- Phối hợp với ekip sản xuất chương trình “Nông nghiệp sạch cho người Việt Nam, cho Thế giới” của Công ty Cổ phần truyền thông Biz Media thực hiện 03 phim phóng sự nhằm truyền thông, quảng bá sản phẩm nông sản chủ lực, an toàn đối với sản phẩm chè của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển chè Tam Đường.
- Duy trì đường dây nóng về ATTP của lực lượng QLTT qua đầu số 1900585826 và đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389/ĐP qua đầu số 0213.3899.389 để tiếp nhận phản ánh vi phạm về ATTP do sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP được đẩy mạnh, tăng cường phối hợp liên ngành; phát hiện và xử lý theo quy định đối với các vi phạm, kết hợp tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật, góp phần ngăn chặn các hành vi nguy cơ mất ATTP, giảm thiểu các vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh, kết quả:
- Tổng số lượt cơ sở được kiểm tra, giám sát: 2.119 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Qua kiểm tra, giám sát phát hiện 360 lượt cơ sở vi phạm, đã xử phạt vi phạm hành chính 3 cơ sở với số tiền trên 5 triệu đồng, nhắc nhở 357 cơ sở (trong đó: 18 cơ sở bị hủy sản phẩm ước số tiền tiêu hủy gần 2.000.000 đ). Hàng hóa tịch thu tiêu hủy gồm: Mỳ tôm, nước giải khát, bánh kẹo các loại, hàng hết hạn sử dụng.
- Cơ quan chuyên ngành tiến hành 01 cuộc kiểm tra các quy định về quản lý giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được 19 cơ sở phát hiện 2 cơ sở vi phạm và xử lý vi phạm hành chính 02 cơ sở với số tiền 5.000.000 đồng. Tổ chức 01 cuộc thanh tra với 5 cơ sở sản xuất, chế biến chè, phát hiện và lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 01 cơ sở với số tiền 4.000.000 đồng. Ngoài ra đã làm thủ tục xuất nhập khẩu đối với 98 lô hàng gồm các mặt hàng cà phê hạt, chè nguyên liệu, hạt điều... với tổng khối lượng 9.285,45 tấn; thu phí kiểm dịch 29.351.000 đồng. Qua kiểm tra các lô hàng chưa phát hiện đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam. Kiểm soát giết mổ động vật được 464 con trâu, bò, ngựa và 6623 con lợn; kiểm dịch vận chuyển nhập vào trong tỉnh: Lợn thương phẩm: 1.425 con/32 chuyến; gia cầm thương phẩm: 8300 con/05 chuyến; đùi gà đông lạnh:4.500kg/01 chuyến. Giám sát hàng tạm nhập tái xuất: Kiểm tra, giám sát 45 container chứa 638.668 kg, trong đó: Hàng xuất qua đường chính ngạch: Cá nóc đông lạnh 01 container chứa 23.859 kg (Ma Lù Thàng); hàng xuất qua đường tiểu ngạch: 25 container có chứa 339.344 kg (Ma Lù Thàng 23 container chứa 285.604 kg, U Ma Tu Khoòng 02 container chứa 53.740 kg) sản phẩm động vật trên cạn đông lạnh; 19 container chứa 275.465 kg sản phẩm thủy sản, sản phẩm động vật đông lạnh, quá cảnh qua cửa khẩu sang Trung Quốc...
- Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tổ chức kiểm tra, đánh giá, phân xếp loại cơ sở theo Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT đối với 293 cơ sở. Kết quả: 129 cơ sở xếp loại A (chiếm 44%); 104 cơ sở xếp loại B (chiếm 35.5%); 25 cơ sở xếp loạiC (chiếm 8.5%) và 35 cơ sở không đánh giá phân xếp loại (chiếm 12%) do 35 cơ sở này đang tạm ngừng hoạt động hoặc chuyển ngành nghề kinh doanh khác.
- Thực hiện xét nghiệm test nhanh 1.347 test, đạt tiêu chuẩn vệ sinh 1.334 test, đạt 99,03%; ngoài ra còn lấy 237 mẫu thực phẩm các loại (Dư lượng thuốc BVTV; Virus cúm gia cầm; chất kháng sinh, chất bảo quản, vi sinh vật...) mang đi xét nghiệm, kiểm nghiệm, có 221 mẫu cho kết quả âm tính, 5 mẫu có phát hiện vi khuẩn E. Coli nhưng nằm trong ngưỡng cho phép; 01 mẫu phát hiện hoạt chất (Chlorpyrifos) nhưng nằm trong ngưỡng cho phép;còn 10 mẫu chưa có kết quả phân tích.
Công tác cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; xác nhận kiến thức ATTP; ký cam kết bảo đảm ATTP
- Việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Trong quý III đã tiến hành thẩm định và cấp được 20 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.
- Xác nhận kiến thức ATTP cho 283 người tham gia, 283 người đạt.
- Tổ chức ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm được 70 cơ sở và ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn đối với 27 cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ theo Thông tư 51/2014/TT-BNNPTN.
Tình hình ngộ độc thực phẩm.
Trong quý III trên địa bàn toàn tỉnh không ghi nhận ca, vụ ngộ độc thực phẩm nào được báo cáo.
Kết quả đạt được
- Các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, bảo đảm ATTP theo Chỉ thị số 13/CT-TTg. Vai trò trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị về công tác bảo đảm ATTP có nhiều chuyển biến tích cực.
- Hoạt động thông tin, truyền thông được tăng cường triển khai, giúp cho nhà quản lý, người sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và người dân từng bước thay đổi nhận thức và hành vi trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng theo chiều hướng có lợi cho sức khỏe, góp phần quan trọng vào việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về ATTP được thuận lợi và hiệu quả hơn.
- Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng VSATTP được chú trọng và triển khai đồng bộ có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý những vi phạm theo quy định của pháp luật; không để xảy ra các ca, vụ ngộ độc thực phẩm.
Khó khăn, hạn chế
- Công tác kiểm tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn do nhận thức, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân vùng sâu, vùng xa và khu vực biên giới còn hạn chế, dễ bị các đối tượng buôn lậu, kinh doanh trái phép lợi dụng để tiêu thụ các loại hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.
- Một số các sản phẩm thực phẩm lưu thông trên địa bàn tỉnh được nhập từ các tỉnh lân cận và Trung Quốc qua đường tiểu ngạch nên việc kiểm soát các mối nguy ATTP đặc biệt việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm gặp nhiều khó khăn.
- Việc kiểm soát điều kiện vệ sinh ATTP trong giết mổ gia súc, gia cầm còn hạn chế do các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh có quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, chưa quy hoạch được vùng giết mổ tập trung.
ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
1. Đề nghị các Bộ: Y tế; Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý ATTP, đặc biệt là các lớp tập huấn nâng cao năng lực kiểm nghiệm.
2. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Sớm sửa đổi Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT để các địa phương có căn cứ triển khai thực hiện cho phù hợp với Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Nguồn:vpubnd.laichau.gov.vn Copy link