Kết luận của Phó CT Thường trực UBND tỉnh Tống Thanh Hải tại Hội nghị trực tuyến BCĐ xây dựng CP điệ
Ngày 18/8/2020, tại trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng chí Tống Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban nhân dân tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh chủ trì Hội nghị trực tuyến của Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh (sau đây gọi tắt là Ban chỉ đạo) với Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố.
Sau khi nghe Sở Thông tin và Truyền thông báo cáo kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án tại Kế hoạch hành động số 1275/KH-UBND ngày 05/7/2019 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/03/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025; các ý kiến phát biểu thảo luận tại Hội nghị, đồng chí Tống Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban nhân dân tỉnh, Phó Trưởng ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Lai Châu kết luận như sau:
Biểu dương, đánh giá cao vai trò của các thành viên Ban chỉ đạo và nỗ lực của Tổ giúp việc Ban chỉ đạo, Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành và địa phương trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử, huy động được các doanh nghiệp công nghệ thông tin tham gia, hỗ trợ triển khai thực hiện.
Năm 2020, là năm cuối của giai đoạn 2019-2020 thực hiện Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ. Để triển khai các nhiệm vụ phát triển Chính quyền điện tử được đồng bộ, kịp thời, hiệu quả, trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Các sở, ban, ngành, địa phương: Chủ động, tập trung phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra vào năm 2020 tại Kế hoạch hành động số 1275/KH-UBND ngày 05/7/2019 của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ, đặc biệt là chỉ tiêu tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến thực hiện ở mức độ 4.
Quan tâm đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đề ra; đề xuất kế hoạch, dự án ứng dụng công nghệ thông tin thiết thực, hiệu quả và phù hợp với Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành, gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ xây dựng Chính quyền điện tử với cải cách hành chính và đi liền với chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ, đổi mới cách thức vận hành, phương thức xử lý công việc của chính quyền các cấp, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tiết kiệm chi phí hướng đến xã hội số, kinh tế số.
2. Sở Thông tin và Truyền thông, khẩn trương nghiên cứu triển khai, sử dụng các nền tảng dùng chung bảo đảm phát triển Chính phủ điện tử được đồng bộ, thống nhất, tránh trùng lặp.
a) Hoàn thiện nội dung Dự thảo Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Lai Châu phiên bản 2.0 bảo đảm hiệu quả, thiết thực, tránh đầu tư trùng lắp, gây lãng phí (đặc biệt là việc số hóa cơ sở dữ liệu, lưu trữ điện tử gắn với chứng thực bản sao điện tử) và xin ý kiến Thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh bằng văn bản trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, ban hành.
b) Triển khai nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý của để khai thác các Cơ sở dữ liệu quốc gia, Hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương nhằm tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, bảo đảm việc thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp.
c) Chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương rà soát, tham mưu kiện toàn cơ cấu tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh theo hướng tinh gọn, hiệu quả; rà soát, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ tại Kế hoạch số 1275/KH-UBND; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch chưa hoàn thành.
3. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, bố trí kinh phí thực hiện đầu tư các dự án hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo việc tích hợp, kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các Hệ thống thông tin theo lộ trình.
4. Sở Tài chính cân đối ngân sách và lồng ghép các nguồn vốn đảm bảo kinh phí thực hiện, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính quyền điện tử tỉnh theo kế hoạch đã đề ra.
5. Các thành viên Ban chỉ đạo Chính quyền điện tử tỉnh cần phát huy hơn nữa vai trò, chức năng, nhiệm vụ của ngành, đơn vị, đặc biệt là những thành viên Ban chỉ đạo đang hoạt động trong lĩnh vực viễn thông để góp phần thúc đẩy tiến trình xây dựng Chính quyền điện tử của địa phương.
Nguồn:vpubnd.laichau.gov.vn Copy link