Trật tự thế giới mới: Việt Nam không hề nhỏ bé
(VEF) - "Trong trật tự kinh tế mới, Việt Nam cũng là một nền kinh tế mới nổi, và các bạn cũng không hề nhỏ bé.", tân Đại sứ Anh Antony Stokes trao đổi về thách thức của Việt Nam bên cạnh sự trỗi dậy của các quốc gia mới nổi.
LTS: Chiều 12/1, tân Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh và Bắc Ailen tại Việt Nam, TS. Antony Stokes đã dành hơn 1 giờ để trực tuyến cùng bạn đọc VietNamNet.
Mặc dù khoảng thời gian tương đối ngắn, nhưng Đại sứ Antony Stokes đã mang đến nhiều thông tin quan trọng như cơ cấu lại học bổng Chevening, Vietnam Airlines mở đường bay thẳng tới London, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sang thị trường Anh quốc.
Với tư cách là một nhà ngoại giao nhiều năm làm việc ở cả châu Á và Châu Âu, TS. Antony Stokes cũng đã chia sẻ cách nhìn của Anh quốc về các vấn đề quốc tế hiện nay hay những kinh nghiệm về phát triển kinh tế ở những quốc gia chuyển đổi, để tìm ra những bài học có ích cho sự lớn mạnh của kinh tế Việt Nam.
![]() |
Đại sứ Anh Antony Stokes tham dự cuộc bàn tròn chiều 12/1. (Ảnh: Lê Anh Dũng) |
Việt Nam là thị trường ưu tiên của Anh
Nhà báo Vũ Lan Hương: Xin chào Đại sứ Antony Stokes. Rất cảm ơn ông đã tham gia trực tuyến cùng VEF hôm nay. Trước tiên, xin ông cho biết những ưu tiên của ông trong nhiệm kỳ ở Việt Nam?
Đại sứ Antony Stokes: Lời đầu tiên, tôi rất cảm ơn báo VietNamNet vì sự đón tiếp nồng nhiệt. Tôi đã được nghe nhiều về danh tiếng của báo, cũng như về chương trình Bàn tròn trực tuyến mà quý báo tổ chức. Tôi lấy làm rất vui và vinh dự được trở thành khách mời của cuộc trò chuyện hôm nay.
Tôi đến Hà Nội vào cuối tháng 11 vừa rồi, và đã ở đây được 7 tuần. Tôi đã rất mong chờ được đảm nhận công việc này và cảm thấy rất vinh dự được kế thừa những thành quả mà người tiền nhiệm Mark Kent đã tạo dựng được.
Có 3 lý do khiến tôi hào hứng. Thứ nhất, hiện đang là một thời điểm rất quan trọng đối với sự phát triển của kinh tế Việt Nam. Thứ hai, quan hệ kinh tế giữa hai nước chúng ta đang ở trong giai đoạn có thể nói là tốt đẹp nhất từ trước đến nay, hai bên vừa ký thỏa thuận về đối tác chiến lược tháng 9 năm ngoái. Thứ ba, Hà Nội thực sự là một nơi tuyệt vời để khám phá, cuộc sống thật sôi nổi, năng động, gấp gáp, là một môi trường rất thuận lợi cho những đối tác của Chính phủ gây dựng được những ảnh hưởng tích cực.
Chính vì thế mà ưu tiên lớn nhất của tôi chính là tận dụng môi trường năng động đó, cộng với những bước tiến bộ đáng kể trong quan hệ hai nước để tạo dựng và đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp này, không chỉ giữa hai chính phủ, mà phải lôi kéo được cả các doanh nghiệp, các tổ chức, các cơ sở giáo dục và cả người dân.
Tôi thực lòng muốn khi kết thúc nhiệm kỳ của mình, tôi sẽ có thể nhìn lại và tự hào nói rằng quan hệ hai nước đã mạnh mẽ hơn rất nhiều so với khi tôi mới đến. Quan hệ hai nước rất phong phú và hai nước hợp tác trong rất nhiều lĩnh vực, thế nên tôi cũng có rất nhiều mục tiêu muốn đạt được.
Tôi vẫn đang ở những điểm đầu tiên trên quãng đường học tập lâu dài mà tôi sẽ có ở Việt Nam. Vì chưa từng làm việc ở Việt Nam trước đây, tôi còn rất nhiều điều phải học.
Nhà báo Vũ Lan Hương: Vậy sau hai tháng ở Việt Nam, ông thấy đất nước chúng tôi có điều gì giống và khác so với những tưởng tượng của ông trước khi đến đây?
Đại sứ Antony Stokes: Tôi phải thừa nhận là chưa biết nhiều gì về Việt Nam trước khi nhận nhiệm vụ này, tôi mới đến đây du lịch chứ chưa từng đến để làm việc, cũng như chưa từng đến Hà Nội trước đây. Vì thế tôi đến đây với tâm hồn và tinh thần rộng mở để đón nhận tất cả, và tôi đã vô cùng ấn tượng với những gì được chứng kiến ở đây.
Nói thế không có nghĩa là không có thách thức hay khó khăn gì, thực tế là có nhiều. Đối với riêng Việt Nam, và đối với quan hệ song phương, vẫn có những lĩnh vực khó khăn hơn cả. Nhưng tôi tin rằng với tinh thần tích cực, chúng ta có thể cùng nhau tạo nên những tiến bộ đáng kể.
Hai nước đang hợp tác với nhau trong rất nhiều lĩnh vực, chúng ta có quá nhiều điều muốn đạt được nhưng lại đang bị hạn chế về các nguồn lực.
Anh và Việt Nam cũng rất khác nhau về mô hình phát triển kinh tế. Người Anh tin vào sự tự do hóa nền kinh tế, và tin rằng các mối quan hệ song phương sẽ thuận lợi hơn khi có mức độ tự do hóa kinh tế tương đồng. Điều đó sẽ rất hữu ích cho các doanh nghiệp Anh làm ăn ở Việt Nam và làm ăn với các doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời nó cũng sẽ giúp ích cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của Việt Nam.
Hai bên cũng đã có những cuộc đối thoại cởi mở về vấn đề nhân quyền. Khi mới đến, tôi cũng đã tham dự một cuộc đối thoại về nhân quyền giữa EU và Việt Nam.
Tiến bộ trong những lĩnh vực tôi vừa đề cập sẽ tạo ra nền tảng và tiền đề vững chắc cho quan hệ hai nước phát triển nhanh, mạnh trong các lĩnh vực khác nữa.
Nhà báo Vũ Lan Hương: Đại sứ từng chia sẻ muốn đẩy quan hệ giao thương hai chiều lên mức 3 tỉ đôla Mỹ trong nhiệm kỳ của mình, vậy ngài sẽ có những chính sách cụ thể gì trong thời gian tới để hiện thực hóa mục tiêu trên?

Hai chính phủ cần tiếp tục trao đổi để đẩy mạnh tự do hóa và mở cửa nền kinh tế. Ví dụ, Anh đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào lĩnh vực dịch vụ tài chính ở Việt Nam. Nhưng tôi tin rằng chúng tôi còn còn thể làm nhiều hơn, thậm chí là cả với lĩnh vực bán lẻ, một khi nền kinh tế thực sự mở cửa.
Chính quyền London cũng xác định Việt Nam là một trong những thị trường ưu tiên của nước Anh. Việt Nam cũng là một trong 5 nước được Anh chọn lựa để thiết lập cơ chế Ủy ban hỗn hợp kinh tế thương mại (JETCO).
Tôi cũng muốn nhanh chóng nhìn thấy đường bay thẳng từ Việt Nam tới Anh được thiết lập. Tôi được biết Hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đang nỗ lực thiết lập các đường bay này. Tôi tin rằng đường bay này sẽ là đòn bẩy đáng kể cho cả thương mại lẫn du lịch giữa hai nước.
Tôi cũng muốn các bạn chú ý đến tiềm năng giữa hai nước về mô hình hợp tác tư nhân - nhà nước (PPP). Đó là một mô hình rất đáng quan tâm vì đó là một cơ chế vô cùng sáng tạo và đổi mới để tìm kiếm các nguồn lực cho xây dựng cơ sở hạ tầng.
Trong Lễ khai mạc Đại hội Đảng XI sáng nay mà tôi tham dự, tôi cũng nhận thấy một yếu tố được nhấn mạnh trong các bài phát biểu chính là sự cần thiết phải có một cơ sở hạ tầng vững chắc.
Rõ ràng Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức lớn về cơ sở hạ tầng. Nếu nền kinh tế tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh như hiện nay, các thách thức này cần phải được giải quyết tốt.
May mắn thay, Anh lại là một nước có rất nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này. Tôi hy vọng mô hình PPP sẽ được đề cập và trao đổi nhiều hơn trong chuyến thăm sắp tới đây của Thị trưởng thành phố London tới Việt Nam vào khoảng tháng 3 tới.
Nhà báo Vũ Lan Hương: Một đồng nghiệp của chúng tôi muốn hỏi: Ông có ấn tượng thế nào về Lễ Khai mạc Đại hội Đảng XI sáng nay và kỳ vọng của ông đối với kỳ Đại hội này?
Đại sứ Antony Stokes: Tôi vô cùng vinh dự được mời đến dự Lễ Khai mạc Đại hội Đảng XI. Tôi thật may mắn khi đã đến Việt Nam kịp để tham dự một sự kiện 5 năm mới có một lần. Đây là cơ hội để tôi hiểu thểm về những hoạt động chính trị của Việt Nam.
Tôi rất ấn tượng với bài phát biểu của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Bài phát biểu đã đề cập đến một loạt các thách thức mà đất nước các bạn đang phải đối mặt. Thật vui khi được nghe những thông điệp thẳng thắn và minh bạch của các nhà lãnh đạo Việt Nam trước những vấn đề mà đất nước đang đối mặt khi nỗ lực hiện thực hóa tham vọng đưa đất nước phát triển bền vững về kinh tế và xã hội.
Tôi không thấy ai tỏ ra lo ngại những lời phê bình và tự phê bình. Mong rằng sau Đại hội, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ còn tự tin hơn nữa để đón nhận tất cả những phản biện từ bên ngoài đảng. Tôi tin rằng, điều đó sẽ giúp Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam xác định được đúng những việc cần làm để thực hiện được tham vọng đã đề ra.
Doanh nghiệp Việt Nam: Cứ bước tới!
Nhà báo Vũ Lan Hương: Theo ông, đâu là những mặt hàng lợi thế của Việt Nam có thể thâm nhập thành công vào thị trường Anh? Ông có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp Việt còn đang lúng túng tìm hướng đi vào thị trường Anh?

Thị trường Anh thì rất cởi mở nên không hề khó để làm ăn thành công ở Anh. Một cuộc điều tra gần đây đã chỉ ra, nước Anh là nơi kinh doanh thuận lợi nhất ở châu Âu.
Chúng tôi may mắn có lợi thế về tiếng Anh mà rất nhiều người Việt Nam đang học rất chăm chỉ. Ở Việt Nam cũng như thế giới, Hội đồng Anh đang đóng góp nhiều vào việc phổ biến tiếng Anh. Các bạn nên tận dụng Hội đồng Anh cũng như cổng thông tin của Hội đồng Anh để có được những thông tin hữu ích.
Kinh tế Việt Nam cũng đang phát triển rất đa dạng về các lĩnh vực. Trước khi đến Việt Nam, tôi có mua một cái bàn nhà bếp, sau khi lắp ráp, tôi nhận thấy có dòng chữ "Sản xuất tại Việt Nam". Ngày càng có nhiều người tiêu dùng Anh sử dụng các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam như đồ gia dụng, hải sản, hàng may mặc, giầy dép, rau quả... Mảng công nghiệp nhẹ này của Việt Nam sẽ còn phát triển hơn nữa, nhưng tôi mong Việt Nam sẽ có thể gia tăng các giá trị cho các sản phẩm và xuất khẩu được những mặt hàng có giá trị cao.
Tóm lại, nếu có khuyên, tôi xin được khuyên các doanh nghiệp Việt Nam "cứ bước tới", vì thị trường Anh là một nơi cực kì thuận tiện cho việc kinh doanh.
Nhà báo Vũ Lan Hương: Việt Nam vừa gia nhập nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình. Xin Đại sứ cho biết, điều này có ảnh hưởng gì tới hợp tác song phương, đặc biệt là các khoản viện trợ của Anh với Việt Nam hay không?
Đại sứ Antony Stokes: Việc Việt Nam đạt được tiêu chuẩn của một nước có thu nhập trung bình vừa là một thành công vừa đặt ra nhiều thách thức mới về quản trị nền kinh tế. Thu nhập cao hơn sẽ khiến tăng trưởng nhanh trở nên khó khăn hơn.
Nhiều người cũng nói đến việc phải lựa chọn giữa tăng trưởng và sự bền vững, nhưng theo tôi, hai điều này hoàn toàn có thể song hành nếu Việt Nam tìm ra được những hướng đi chủ động và hành động đúng đắn để nâng cao hiệu quả của nền kinh tế. Nhưng tôi rất lạc quan về Việt Nam, một câu chuyện phát triển thành công của giai đoạn 10 năm vừa qua.
Nước Anh không thể duy trì sự hỗ trợ kinh tế đối với Việt Nam mãi được. Mặc dù Anh là nước châu Âu tài trợ song phương lớn nhất cho Việt Nam, các khoản tài trợ này cũng đang được sử dụng khôn ngoan và hiệu quả, tôi vẫn mong trong tương lai Việt Nam sẽ không còn cần đến sự tài trợ này nữa.
Vì thế, tôi mong hai nước sẽ hợp tác nhiều hơn trong những lĩnh vực như quản trị tốt, trách nhiệm giải trình, minh bạch hóa, chống tham nhũng và điều hành kinh tế hiệu quả. Tôi tin rằng đó mới là những lĩnh vực nước Anh có thể giúp đỡ, hỗ trợ thiết thực cho Việt Nam.
Nhà báo Vũ Lan Hương: Biên bản ghi nhớ về tầm nhìn chiến lược đến năm 2013 chỉ rõ: Các bên sẽ tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cấp thị thực cho doanh nghiệp của nhau. Cụ thể như thế nào xin Đại sứ cho biết?
Đại sứ Antony Stokes: Theo cá nhân tôi, các thủ tục visa không nên trở thành trở ngại cho việc đi lại của công dân hai nước. Tuy nhiên, trước khi sang nhậm chức, tôi cũng được nghe nhiều than phiền về sự khó khăn trong việc xin và cấp visa.
Có lẽ một lí do gây ra khó khăn này là chúng tôi vừa chuyển cơ quan phụ trách dịch vụ visa từ Việt Nam sang Thái Lan. Đó là một phần trong chương trình toàn cầu tái cấu trúc hệ thống dịch vụ visa của nước Anh, nhằm giảm thiểu số lượng đầu mối cấp visa. Nhưng việc này không nên cản trở hệ thống này làm việc hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại.
Vì vậy tôi phải tìm cách đảm bảo là hệ thống này vẫn đang hoạt động hiệu quả. Việc đầu tiên tôi làm khi nhậm chức, là yêu cầu các chuyên gia về visa rà soát và đánh giá hiệu quả và mức độ thuận tiện của dịch vụ này. Tôi đặt đây là ưu tiên của mình và muốn làm cẩn thận việc này nên có lẽ sẽ mất nhiều thời gian.
Tôi tin rằng sẽ không có sự thay đổi trong việc tổ chức họat động cấp visa tại Bangkok, nhưng chúng tôi sẽ phải đảm bảo hiệu quả của hoạt động này.

Hy vọng sớm tái khởi động học bổng Chevening
Nhà báo Vũ Lan Hương: Độc giả Hoàng Văn Cường gửi tới Đại sứ câu hỏi: Dự án Trường Đại học tiêu chuẩn Quốc tế tại Đà Nẵng do Anh đầu tư dự kiến sẽ hoàn thành vào thời gian nào và có những điểm gì khác biệt so với những trường quốc tế khác?
Đại sứ Antony Stokes: Đây là một dự án rất quan trọng. Đúng là giáo dục là một trong những điểm nhấn trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Nước Anh có nền giáo dục bậc cao tiên tiến nhất thế giới với những trường đại học hàng đầu thế giới. Tôi thấy có rất nhiều cơ hội để các trường này hợp tác trao đổi với các trường đại học Việt Nam. Đến nay đã có ít nhất có 10 dự án hợp tác đào tạo giữa các trường đại học hai nước.
Đại học quốc tế tại Đà Nẵng khi đi vào hoạt động sẽ là tin vui với người học, khi cho phép họ giành một tấm bằng tiêu chuẩn quốc tế mà chỉ cần học tại nước mình.
Hôm nay, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Hội đồng Anh và Trường ĐH Đà Nẵng đã bàn bạc để chỉ định đơn vị sẽ tiến hành nghiên cứu khả thi dự án này. Nếu việc nghiên cứu khả thi trong vòng vài tháng tới được tiến hành thuận lợi, trường đại học quốc tế có thể bắt đầu chiêu sinh ngay trong năm học 2011-2012 tới.
Nhà báo Vũ Lan Hương: Việc hoãn lại học bổng Chevening năm vừa rồi tạo ra sự ngỡ ngàng nhất định đối với nhiều bạn trẻ Việt Nam đang tìm kiếm cơ hội học bổng. Chương trình này trong tương lai sẽ được tái cơ cấu như thế nào?
Đại sứ Antony Stokes: Tôi e rằng chưa thể đưa ra thông tin gì ngay hôm nay, vì việc tái cấu trúc này diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Nhưng tôi đảm bảo rằng, chương trình học bổng này nhận được sự ủng hộ đặc biệt của Bộ trưởng Ngoại giao Anh. Tôi hy vọng chương trình sẽ sớm được khởi động lại tại Việt Nam, các bạn hãy chú ý theo dõi thông tin để không bỏ lỡ cơ hội.
Đến nay đã có khoảng 300 sinh viên Việt Nam giành được học bổng này, tôi mong tới đây sẽ còn có thêm nhiều nữa.
Nền kinh tế Việt Nam không hề nhỏ bé
Nhà báo Vũ Lan Hương: Thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế Anh nói riêng và kinh tế thế giới nói chung hiện nay là gì, theo Đại sứ?
Đại sứ Antony Stokes: Với nền kinh tế nào thì tăng trưởng vẫn là vấn đề quan trọng nhất, vì nó là điều kiện để thúc đẩy các cải thiện về xã hội.
Tôi rất tin tưởng vào sự phục hồi của kinh tế Anh với những lợi thế rất cơ bản đáng kể như ngôn ngữ tiếng Anh, hệ thống giáo dục tốt nhất, địa điểm kinh doanh thuận lợi, hệ thống pháp luật bài bản, cũng như nhân lực có trình độ và năng lực cạnh tranh cao...
Tôi nghĩ Việt Nam cũng có những thế mạnh đáng kể như trình độ dân trí đồng đều, người lao động năng động, địa điểm kinh doanh tốt nhiều tiềm năng mạnh mẽ...
Quan trọng là Việt Nam, đến mức độ phát triển này rồi, phải nhìn ra được những nguy cơ và thách thức bao gồm hiệu quả của kinh tế quốc doanh, tính minh bạch, tự do thảo luận và hành lang pháp lí sáng sủa đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài.
Đây không phải là lời khuyên của nước Anh đối với Việt Nam mà là điều được chính các lãnh đạo của Việt Nam chỉ ra. Tôi cũng có niềm tin rất lớn đối với người dân Việt Nam. Tôi hy vọng nước Anh có thể giúp đỡ Việt Nam, dù rất khiêm tốn.
Nhà báo Vũ Lan Hương: Ngài đã từng làm việc ở Latvia, một nước thuộc Liên Xô cũ nay đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường, có kinh nghiệm nào của Latvia (cả tích cực lẫn tiêu cực) mà cá nhân ông nghĩ Việt Nam có thể học hỏi trong quá trình chuyển đổi kinh tế của mình?

Trong bối cảnh khó khăn đó, Chính phủ Latvia đã thắt chặt chi tiêu ngân sách. Họ xác định rõ để đảm bảo tăng trưởng trong trung và dài hạn, điều họ cần quan tâm nhất là hiệu quả của nền kinh tế.
Mùa đông 2009-2010 thực sự là khắc nghiệt với Latvia, ở Hà Nội thế này là lạnh với các bạn, nhưng ở Riga, nhiệt độ là -20 độ C và tuyết rơi dày. Sự khó khăn càng lớn hơn đối với người dân nông thôn có thu nhập thấp.
Tôi không mong Việt Nam cũng phải đối mặt với những khó khăn và khắc nghiệt như thế để tìm được cách cải thiện hiệu quả của nền kinh tế và duy trì tốc độ tăng trưởng. Nhưng tôi mong các bạn coi đó là bài học để đưa ra những chính sách đúng đắn và mở cửa hơn nữa nền kinh tế.
Nhà báo Vũ Lan Hương: Một trật tự kinh tế thế giới mới đang dần được hình thành với sự trỗi dậy của các nền kinh tế mới nổi. Theo ông, trong thời gian tới, các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil... sẽ đóng góp như thế nào trong nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam nên làm gì để có thể phát triển song hành với các quốc gia này, đặc biệt là với người láng giềng Trung Quốc?
Đại sứ Antony Stokes: Tôi tin rằng sự trỗi dậy của các thị trường lớn này không chỉ là tin tốt cho bản thân họ mà còn là điềm lành cho cả nền kinh tế thế giới. Nó mở ra những cơ hội lớn cho kinh doanh và hợp tác giữa các quốc gia.
Cũng như mong ước mà tôi đã chia sẻ về việc xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp với Việt Nam, Anh cũng muốn xây dựng một mối quan hệ tương tự với Trung Quốc.
Theo tôi, Việt Nam đang ở vị trí rất thuận lợi để tận dụng được các cơ hội trong bối cảnh mới của nền kinh tế thế giới. Bản thân Việt Nam cũng là một nền kinh tế mới nổi, không hề nhỏ bé với dân số sẽ sớm đạt 100 triệu người, lớn hơn dân số nước Anh. Đó là lý do nước Anh muốn hợp tác với Việt Nam, một đất nước sẽ nhanh chóng vươn lên thành một đối tác quốc tế quan trọng trên thế giới.
Đây cũng là cơ hội để Việt Nam đóng vai trò thiết thực hơn trên trường quốc tế. Tôi xin chúc mừng Việt Nam với thành công trong năm Chủ tịch ASEAN 2010 cũng như những thể hiện ấn tượng trong vài trò thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.
Trong tương lai, Việt Nam sẽ trở thành một một đối tác quốc tế mạnh mẽ và đáng tin cậy trong bối cảnh thay đổi của nền kinh tế thế giới.
Tôi cũng muốn đề cập thêm một chút là tham nhũng là một vấn đề cốt yếu đối với Việt Nam. Chúng tôi đã có nhiều cuộc trao đổi với Chính phủ Việt Nam về vấn đề này, và chúng tôi muốn tiếp tục đẩy mạnh trao đổi về phòng chống tham nhũng. Tôi mong cuộc chiến phòng chống tham nhũng sẽ nhận được sự ủng hộ nhiều hơn.
Nhà báo Vũ Lan Hương: Xin được hỏi một câu hỏi vui cuối cùng, nhiều độc giả của chúng tôi thắc mắc liệu ông có dự định học tiếng Việt và viết blog tiếng Việt như người tiền nhiệm Mark Kent hay không?
Đại sứ Antony Stokes: Tôi rất muốn học tiếng Việt và đã tham gia một vài lớp học cơ bản trước khi sang Việt Nam. Nhưng buổi học đó rất hữu ích và khiến tôi muốn học thêm nhiều khi đến Việt Nam, giờ thì tôi đã ở Việt Nam rồi.
Hy vọng đến khi kết thúc nhiệm kỳ của mình, tôi sẽ có đủ vốn tiếng Việt để trò chuyện với người Việt Nam về những chủ đề như hôm nay chúng ta trao đổi. Tôi mong các bạn sẽ giúp tôi học tiếng Việt.
Tôi cũng muốn viết blog, và để nó thực sự hữu ích và hiệu quả, có thể tôi sẽ viết về những điều tôi học được từ người Việt Nam, khát vọng của họ, mối quan tâm của họ. Thế nên các bạn hãy đón đọc.
Nhà báo Vũ Lan Hương: Cảm ơn Ngài đại sứ đã tham gia cuộc Bàn tròn trực tuyến hôm nay. Chúc ông có một nhiệm kỳ thành công ở Việt Nam, chúc cho mối quan hệ hai nước ngày một tốt đẹp. Hy vọng lần tới gặp nhau, chúng ta sẽ có thể bắt đầu trò chuyện bằng tiếng Việt.
Nguồn:vpubnd.laichau.gov.vn Copy link