Thông điệp lắng nghe từ người đứng đầu Đảng
Tuyên bố của người đứng đầu Đảng được đánh giá đã thể hiện một cách nói, cách nghĩ mới để người dân có quyền kỳ vọng Đảng sẽ thực sự cầu thị, chân thành lắng nghe, tiếp thu những góp ý sôi nổi, tâm huyết của nhân dân suốt thời gian qua.
Ít thấy những khuôn sáo theo thông lệ trong những bài phát biểu đã được định khuôn sẵn, không thấy những sáo ngữ “tăng cường”, “nâng cao”, không quá nhấn vào lập trường, quan điểm, phát biểu của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh có thể nói đã chạm được ít nhiều vào những vấn đề mà xã hội đang trăn trở, lo lắng.
Bởi trong suốt 45 ngày tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo văn kiện, đã có hàng trăm ngàn góp ý gửi đến Đảng tâm nguyện cùng những trăn trở thời cuộc. Nhiều ý kiến nói thẳng, nói thật, không lảng tránh những vấn đề bị coi là nhạy cảm “kiêng kỵ”, thể hiện nhiệt tâm, trách nhiệm, trí tuệ của các tầng lớp nhân dân. Thậm chí có những ý kiến đến từ các đảng viên kỳ cựu đặt ra những quan điểm mới về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, dân chủ hóa hệ thống chính trị và công tác nhân sự…- những vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với Đảng cầm quyền và với đất nước ở giai đoạn phát triển đầy thách thức hiện nay. Nhiều góp ý thậm chí có thể bị coi là “khó nghe”, trái chiều, là đi ngược với chính thống.
Nếu như ai đó còn lo ngại những ý kiến thẳng thắn, đụng chạm có thể bị chụp mũ về lập trường, quan điểm thì với khẳng định của Tổng Bí thư rằng những đóng góp của đông đảo cán bộ, đảng viên, của các đại biểu Quốc hội và nhân dân là “chân tình, xây dựng”, có cơ sở để tin tưởng rằng, Đảng lắng nghe và tôn trọng những ý kiến khác biệt.
Bởi nói như GS Dương Phú Hiệp, nguyên Tổng thư ký Hội đồng lý luận Trung ương, nếu ai cũng sợ bị chụp mũ, nếu chỉ có độc thoại, không có đối thoại, nếu chỉ có một trung tâm độc quyền phát ra chân lý, nếu cấp dưới chưa có thói quen dám tranh luận với cấp trên, chỉ thụ động "gọi dạ, bảo vâng", không dám suy nghĩ bằng cái đầu của mình vì còn sợ "mất đầu" thì tình trạng lạc hậu về nhận thức lý luận còn kéo dài. Trong khi sự tụt hậu về nhận thức lý luận đang cản ngại không nhỏ bước đường phát triển của đất nước, đang tạo ra những rào cản trong tư duy và hành động của Đảng.
Trí tuệ của Đảng phải bắt nguồn từ trí tuệ của nhân dân. Cần trân trọng các ý kiến đóng góp, chân thành tiếp thu các ý kiến đúng đắn. Khó nhất là việc tiếp thu những ý kiến có căn cứ lý luận và thực tiễn, nhưng khác với dự thảo, để bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi dự thảo. Muốn vậy, Đảng phải có tinh thần khiêm tốn, cầu thị trên cơ sở đổi mới tư duy, lấy thực tiễn làm tiêu chuẩn kiểm nghiệm.
Nói như nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM Lê Hiếu Đằng khi ông nhớ lại không khí trước Đại hội Đảng X, người dân đã rất háo hức, nhiệt tình lên tiếng tham gia đóng góp ý kiến vào các văn kiện Đại hội, đã thảo luận sôi nổi khi bàn về "thời cơ vàng" của đất nước, nhưng văn kiện dự thảo và văn kiện sau khi được thông qua ở Đại hội không thay đổi là bao.
Thời gian từ nay đến Đại hội XI không còn nhiều. Người dân thiết tha mong mỏi những tổ chức và cá nhân có chức năng chuẩn bị dự thảo các văn kiện trình Đại hội thực sự tiếp thu các ý kiến xác đáng để bổ sung, sửa chữa; thẳng thắn, công khai tranh luận, trao đổi về những ý kiến khác trên tinh thần bình đẳng, cầu thị. Cần tập hợp và trình bày trung thực, đầy đủ những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau để Đại hội thảo luận và cho ý kiến quyết định.
Tất cả những vấn đề đó cần được báo cáo ra trước Đại hội XI bằng văn bản để làm tài liệu thảo luận ở Đại hội trước khi biểu quyết.
Khi đã có nghị quyết thì cần giải trình trước toàn dân về những vấn đề mà Đại hội đã tiếp thu, sửa chữa. Đối với những vấn đề lớn không tiếp thu thì cần có ý kiến giải đáp. Một số vấn đề chưa thể giải đáp được cần tiếp tục nghiên cứu.
Chỉ như vậy mới là minh chứng rõ ràng nhất cho tinh thần thực sự cầu thị của Đảng với Dân, hỏi thật và muốn nghe thật từ những người đã luôn tin cậy ở Đảng, trông đợi Đảng tiếp tục đổi mới để xứng đáng với trách nhiệm mà dân tộc giao phó.
Hi vọng rằng với tầm vóc của hội nghị cuối cùng chốt lại những vấn đề quan trọng trình Đại hội XI, Hội nghị TƯ 14 sẽ bàn thảo kỹ lưỡng, tiếp thu thực chất những đóng góp “thẳng thắn, tâm huyết” của đông đảo nhân dân suốt thời gian qua và thể hiện được trong những văn kiện trình Đại hội - nền tảng lý luận để phát triển đất nước trong thời kì mới.
Nói như nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, lòng Dân đang kỳ vọng Đảng một lần nữa dũng cảm vượt lên chính mình, bắt đầu từ việc đổi mới tư duy tòan diện về kinh tế - chính trị, làm sao để Đại hội XI, XII sẽ là một bước ngoặt cho sự phát triển của đất nước. Với tinh thần "việc Đảng cũng là việc quốc gia, việc của toàn dân tộc", hi vọng Đại hội Đảng sẽ đưa ra được những quyết định đúng tầm, xứng đáng với trách nhiệm mà dân tộc giao phó.