Kết quả sau 5 thực hiện Nghị quyết 15/2011/NQ-HĐND của HĐND tỉnh
Ảnh minh hoạ
Công tác giảm nghèo bền vững là một trong những công tác được cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh Lai Châu hết sức quan tâm, xác định là nhiệm vụ hàng đầu nhằm từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Thực hiện Nghị quyết 15/2011/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 – 2015, bằng các nguồn vốn giảm nghèo hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theoQuyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ cho 6.771 hộ nghèo làm nhà; nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tập thể, cá nhân đã làm nhà cho 82 hộ, đã và đang thực hiện 10 mô hình chăn nuôi và trồng trọt tại 5 huyện Tam Đường, Than Uyên, Sìn Hồ và Phong Thổ và Mường Tè với tổng số 851 hộ nghèo tham gia và đã có 812 hộ thoát nghèo sau khi tham gia mô hình. Việc tổ chức nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh trong 05 năm qua tuy chưa được hiệu quả cao, nhưng đối với quy trình của mô hình từ khâu tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, làm chuồng trại, tiêm phòng... đã có tác động không nhỏ vào công tác sản xuất của các hộ trực tiếp tham gia thực hiện mô hình và những hộ nông dân trong cộng đồng khu vực có mô hình. Từ đó đã góp phần vào việc tăng thu nhập trong chăn nuôi giúp một bộ phận hộ nghèo có điều kiện thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Trong 05 năm qua tỉnh đã đầu tư 236 công trình. Nhìn chung, các công trình hạ tầng được xây dựng trong các năm qua đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, đã mang lại những hiệu quả tích cực về kinh tế và xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tạo điều kiện cho con em đến trường thuận lợi, hàng hóa từ vùng cao, vùng xa đã được thông thương, tạo nguồn thu nhập cho người dân trong vùng. Các công trình phục vụ sản xuất đã tạo thuận lợi để nguồn lương thực tại chỗ nhằm đáp ứng một phần an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện các chính sách đặc thù theo Nghị quyết 30a của Chính phủ tỉnh thực hiện đầu tư 236 công trình, trong đó có 81 công trình giao thông; 90 công trình thủy lợi; 25 công trình trường, lớp học; 26 công trình nước sinh hoạt và 14 công trình khác. Từ việc thực hiện dựán trên cơ sở hạ tầng của các huyện nghèo trên địa bàn tỉnh từng bước được cải thiện đặc biệt là các công trình bức thiết phục vụ đời sống và sinh hoạt của người dân.
Một nội dung được đánh giá cao, được coi là giải pháp quan trọng trong công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh là chính sách đào tạo, dạy nghề và công tác xuất khẩu lao động, thông qua xuất khẩu lao động người lao động trên địa bàn tỉnh được tiếp cận với thị trường nước ngoài, tạo thu nhập cao, ổn định, đồng thời thay đổi được nhận thức, tập quán, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; trong 5 năm từ 2011-2015, toàn tỉnh đã đào tạo được 28.305 lao động nông thôn, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 30% năm 2010 lên 40,5% vào năm 2015. Chính sách đào tạo dạy nghề được xem là hướng giải pháp giảm nghèo bền vững, giúp người dân tự chuyển đổi nghề nghiệp, chuyển đổi cơ cấu lao động, biết sản xuất kinh doanh để vươn lên thoát nghèo.
Các hình thức bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh cũng được đảm bảo như hỗ trợ về y tế, về giáo dục đào tạo, về trợ giúp pháp lý. Trong 5 năm, tỉnh đã mua thẻ bảo hiểm y tế miễn phí là 1.343.980 lượt người tỉnh đã hỗ trợ miễn giảm học phí cho 134.486 lượt học sinh, sinh viên; hỗ trợ lương thực cho 93.382 lượt học sinh dân tộc thiểu số học bán trú, hỗ trợ tiền điện cho 134.649 hộ nghèo với tổng số tiền là 52.140 triệu đồng.
Bên cạnh đó, chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo cũng được tạo điều kiện hết sức cho người dân, trong 05 năm, ngân hàng CSXH tỉnh đã cho 3.277 hộ nghèo, 32.736 hộ, thông qua việc vay vốn đã giải quyết việc làm cho trên 30 nghìn lao động thuộc các hộ nghèo. Các chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cũng đạt hiệu quả cao. Các mô hình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư được hỗ trợ 100% giống, vật tư để xây dựng. Một số chính sách hỗ trợ đặc thù và an sinh xã hội khác như chính sách định canh, định cư theo Quyết định số 33/QĐ-TTg, chính sách hỗ trợ di dân tái định cư tại các công trình thuỷ điện lớn, chính sách hỗ trợ hộ nghèo theo Quyết định 102/QĐ-TTg nhằm hỗ trợ cho hộ nghèo phần nào về sản xuất cũng triển khai thực hiện khá tốt, đạt hiệu quả thiết thực…
Sau 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 15/2011/NQ-HĐND của HĐND tỉnh trên địa bàn tỉnh, đời sống của người dân ở các xã nghèo từng bước được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người từ 8,2 triệu đồng đầu năm 2010 lên 18,2 triệu đồng năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011-2015 giảm 26,3%; trung bình mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 5,26%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra (3-4%/năm). Tỷ lao động nông nghiệp còn dưới 65% lao động xã hội, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo tập huấn, huấn luyện đạt trên 40% và tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo tập huấn, huấn luyện đạt trên 40%.
Điển hình là huyện Tân Uyên chỉ sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 15/2011/NQ-HĐND của HĐND tỉnh mà tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 16%; thu nhập bình quân đầu người tăng 14%/năm. Hiện 100% xã trong huyện đã có đường ô tô đến trung tâm; 85% bản có đường giao thông đi lại thuận lợi; 9/10 xã, thị trấn được sử dụng điện lưới quốc gia. Huyện đã phê duyệt quy hoạch chung và đề án xây dựng nông thôn mới cho 9/9 xã. Có 8 xã đạt từ 8 đến 9 tiêu chí về nông thôn mới và đang tập trung ưu tiên nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho xã làm điểm. Nhiều mô hình chăn nuôi, sản xuất mới được triển khai đem lại hiệu quả kinh tế cao, tác động tích cực đến sự phát triển của địa phương. Qua bình xét hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 46,7% năm 2011 đến nay còn 22,3%, bình quân giảm 6,2%/năm. Công tác di dân tái định cư Thuỷ điện Bản Chát, bồi thường giải phóng mặt bằng gắn với bố trí định cư là việc cấp bách và khó khăn, nhưng huyện đã hoàn thành việc di chuyển gần 2.200 hộ với khoảng 6.400 khẩu ra khỏi vùng ngập lòng hồ thuỷ điện.
Công tác đào tạo nghề cũng có nhiều kết quả nổi bật. Đến nay huyện Tân Uyên đã tổ chức đào tạo nghề cho gần 3.300 lao động nông thôn. Hàng năm giải quyết việc làm mới cho khoảng 800 lao động địa phương, góp phần giảm nhanh tỷ lệ thất nghiệp, ổn định cuộc sống cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ chủ động lồng ghép các chương trình, dự án của nguồn lực Chương trình 134, Chương trình 135, Chương trình 30a cùng tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ khác mà các cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm, y tế, giáo dục... ở huyện Tân Uyên được xây dựng đáng kể…
Với việc triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách, dự án thuộc khung chương trình giảm nghèo, cùng với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận và các Hội, đoàn thể thông qua chương trình hành động và sự nỗ lực vươn lên của người nghèo ở các huyện, thị xã trong tỉnh, trong 05 năm thực hiện Nghị quyết 15/2011/NQ-HĐND và các chương trình giảm nghèo khác, bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi mới, tiến bộ, các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn đã có sự thay đổi đáng kể, nhất là về cơ sở hạ tầng và việc tổ chức phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Người dân ở nhiều xã vùng cao đã thay đổi căn bản trong tập quán sản xuất, biết tính toán, biết lựa chọn loại hình sản xuất phù hợp của hộ gắn với yếu tố thị trường, mạnh dạn hơn trong việc ứng dụng giống mới và tiếp cận với các dịch vụ kỹ thuật, khắc phục đáng kể tình trạng sản xuất tự túc, tự cấp, quen dần với sản xuất hàng hoá. Người nghèo đã được hỗ trợ cải thiện một bước về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng cho phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập; một số nhu cầu xã hội thiết yếu của người nghèo cơ bản được đáp ứng (nhà ở, nước sinh hoạt, khám chữa bệnh, học tập…). Về lâu dài, tác động của chương trình giúp người nghèo có được cơ hội tự vươn lên, tạo thu nhập để phát triển, vượt qua tình trạng nghèo đói, tự giải quyết những nhu cầu thiết yếu của gia đình và bản thân. Kết quả trên đã góp phần quan trọng vào ổn định chính trị và không ngừng củng cố quốc phòng - an ninh, tạo được tiền đề cơ bản cho những năm tiếp theo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, phấn đấu đến năm 2020, Lai Châu thoát nghèo theo chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đã đề ra.
Nguồn:vpubnd.laichau.gov.vn Copy link