A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị quán triệt 3 văn kiện pháp lý về biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc

Ngày 29/12/2010, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị quán triệt 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Ba văn kiện gồm: Nghị định thư phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới, Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu. Đồng chí Vương Văn Thành - Phó chủ tịch UBND tỉnh dự, chỉ đạo Hội nghị. Tham gia Hội nghị gồm lãnh đạo, chuyên viên các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể tỉnh; đại diện chỉ huy 13 đồn biên phòng trong tỉnh; đại diện lãnh đạo UBND và Văn phòng UBND các huyện, thị xã.

 

 Việt Nam và Trung Quốc đã ký 3 văn kiện gồm: Nghị định thư phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới, Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu vào ngày 18/12/2009, các văn kiện này có hiệu lực kể từ ngày 14/7/2010.

Ba văn kiện trên đã chính thức kết thúc quá trình giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, tạo căn cứ pháp lý để hai Bên thực thi việc quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc theo đường biên giới mới, góp phần xây dựng thành đường biên giới trên đất liền hòa bình, hữu nghị, ổn định, lâu dài và giữ vững chủ quyền an ninh quốc gia của mỗi nước.

Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc là văn kiện xác định đường biên giới trên đất liền giữa 2 nước đã thống nhất trên thực địa và được thể hiện thành nội dung văn bản tại Nghị định thư này gồm 5 phần, 13 điều. Hai bên thống nhất, tổng chiều dài đường biên giới giữa 2 nước là 1.449,566km, trong đó đường biên giới trên đất liền là 1.065,652km, đường biên giới nước là 383,914km. Hai bên đặt các mốc giới (chính hoặc phụ) trên đường biên giới tại các vị trí như: Nơi hướng đi của đường biên giới thay đổi rõ rệt; nơi địa hình khó xác định, đường biên giới khó nhận biết; nơi giao nhau giữa đường bộ, đường sắt, sông suối với đường biên giới; khu vực điểm dân cư quan trọng gần đường biên giới; điểm hợp lưu hoặc phân lưu giữa sông, suối nội địa với sông, suối biên giới; nơi sông suối biên giới dễ thay đổi dòng chảy; nơi thay đổi giữa đường biên giới nước và đường biên giới đất liền; điểm cao cần thiết. Số hiệu mốc giới chính được đánh số đại thể từ Tây sang Đông theo thứ tự của số tự nhiên từ 1 đến 1378. Hai bên đã cắm 1.970 cột mốc, gồm 1.627 cột mốc đơn, 232 cột mốc đôi, 111 cột mốc ba. Các cột mốc mang số lẻ do phía Trung Quốc cắm, mang số chẵn do Việt Nam cắm (riêng các cột số 50/1,137/1,353/1 do Việt Nam cắm). Tỉnh Lai Châu  từ mốc giới số 16 đến mốc giới số 85 (gồm 69 mốc giới chính, 9 mốc giới phụ, 7 mốc ba). Hai bên thống nhất, sau khi Nghị định thư có hiệu lực, cứ 10 năm tiến hành kiểm tra liên hợp đường biên giới một lần, bất kỳ sự thay đổi của địa hình, sông suối thực địa đều không làm thay đổi vị trí đã phân giới, trừ khi hai Bên có thỏa thuận khác.

 

 Đối với Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, hai Bên xác định phải tuân thủ các nguyên tắc bất khả xâm phạm về lãnh thổ và biên giới quốc gia; tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; không xâm phạm lẫn nhau; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; bình đẳng, cùng có lợi và chung sống hòa bình; cố gắng cùng nhau xây dựng biên giới trên đất liền hai nước thành biên giới mãi mãi hòa bình, đời đời hữu nghị. Hiệp định được ký kết nhằm giữ gìn sử ổn định của biên giới trên đất liền và tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội; tạo thuận lợi cho việc sinh hoạt, sản xuất của cư dân hai bên biên giới; đồng thời thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế - xã hội ở vùng biên giới 2 nước; trên tinh thần tôn trọng, bình đẳng, hữu nghị, hợp tác và tin tưởng lẫn nhau. Hiệp định đã ký gồm 11 chương, 54 điều.

 

Hiệp định về Cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc gồm 12 điều. Đây là văn kiện xác định các cặp cửa khẩu đã mở và dự kiến sẽ được mở trên vùng biên giới hai Bên; xác định một số quy định chung để quản lý cửa khẩu. Hiện nay, có 9 cặp cửa khẩu đã mở (tỉnh Lai Châu có cặp cửa khẩu đang mở với Trung Quốc là Ma Lù Thàng - Kim Thủy Hà, dự kiến sẽ mở U Ma Tu Khoàng - Bình Hà). Cửa khẩu Ma Lù Thàng - Kim Thủy Hà nằm gần mốc giới số 66 trên biên giới Việt - Trung, phía Việt Nam là xã Ma Ly Pho - Phong Thổ - Lai Châu, phía Trung Quốc là thị trấn Kim Thủy Hà - Kim Bình - Châu Hồng Hà - tỉnh Vân Nam; là cửa khẩu song phương, thời gian làm việc phía Việt Nam là 7h00 - 17h00 giờ Hà Nội, phía Trung Quốc là 8h00 - 18h00 giờ Bắc Kinh.

 

Việc tổ chức quán triệt Hội nghị này nhằm tuyên truyền để các cấp, các ngành hiểu rõ ý nghĩa tầm quan trọng của các văn kiện trên, từ đó tổ chức chỉ đạo và thực hiện đáp ứng với yêu cầu trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh. Nắm chắc các nội dung cần, sẽ và tiếp tục phải giải quyết trong thời gian tới trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc thuộc địa bàn tỉnh sau khi các văn kiện biên giới này có hiệu lực.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Bản đồ địa giới hành chính
Dịch vụ công trực tuyến
Dịch vụ công trực tuyến
Thống kê truy cập
Hôm nay : 146
Hôm qua : 359
Tổng số : 2.412.487,33