Hòa hợp dân tộc nhìn từ Trung Quốc
· +7
Trong ứng xử với đồng bào hải ngoại, phải thực sự có lòng tin tưởng – GS Nguyễn Huy Quý, nguyên Viện trưởng Viên nghiên cứu Trung Quốc, nhận định về một trong những kinh nghiệm hòa hợp dân tộc của Trung Quốc.
Ba nội dung trong hòa hợp dân tộc ở Trung Quốc
Với Trung Quốc, hòa hợp dân tộc một là với người Hoa hải ngoại; hai là với Đài Loan, Hongkong, Macao; và ba là với Tân Cương, Tây Tạng.
Khác với người Việt hải ngoại (những người Việt thuộc tầng lớp tinh anh và có khả năng kinh tế ra đi trong hai cuộc kháng chiến, đặc biệt sau giải phóng miền Nam, một phần thuộc chế độ cũ nhưng phần lớn là chưa hiểu cách mạng, với những hậu quả tương đối nặng nề về tình cảm và chính trị), người Hoa ở nước ngoài đã có lịch sử hàng trăm năm, ít hoặc không đáng kể ra đi vì lý do chính trị. Những người mâu thuẫn về chính trị với đại lục, với đảng Cộng sản, sau cách mạng năm 1949 hầu hết đến Đài Loan, Hongkong, Macao.
Hoa kiều trên thế giới là một lực lượng rất hùng hậu với hơn 60 triệu người, có mặt ở hầu hết các nước. Khi GDP của Trung Quốc mới chỉ là hơn 1000 tỉ USD, tổng số vốn của người Hoa hải ngoại đã là khoảng 3000 tỉ USD. Có người còn nói Hoa kiều chính là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ.
GS. Nguyễn Huy Quý, nguyên Viện trưởng Viên nghiên cứu Trung Quốc. Ảnh: TC |
Người Hoa ra đi ví lý do chính trị nhiều nhất là vào những thời điểm thay đổi triều đại phong kiến, ví dụ khi nhà Thanh đánh nhà Minh, sau cách mạng giải phóng dân tộc năm 1949 và đặc biệt là trong Đại cách mạng văn hóa cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970.
Trước cải cách năm 1979, Trung Quốc thi hành chính sách đóng cửa. Nhưng sau khi đất nước mở cửa, chính sách này đã thay đổi và lôi kéo thu hút thành công nhiều Hoa kiều trở về. Đầu tư vào Trung Quốc, cả tri thức và tiền bạc, trong mấy thập kỷ gần đây phần lớn là vốn của Hoa kiều. Trung Quốc không gọi FDI là vốn nước ngoài mà gọi là vốn ngoại, vì hầu hết trong đó là vốn của người Hoa ở nước ngoài, ở Hongkong, Đài Loan, Macao.
Với người Hoa ở Đài Loan, Hongkong và Macao, Trung Quốc xác định biện pháp hòa hợp chính là thu phục nhân tâm. Khi cách mạng Trung Quốc thành công, Mao Trạch Đông đã có nhãn quan xa rộng: quân đội Trung Quốc sau khi giải phóng đại lục có thừa khả năng giải phóng Hongkong và Macao nhưng họ không đánh mà để hai nơi này như là cửa ngõ nối Trung Quốc với thế giới bên ngoài và với người Hoa hải ngoại.
Đã từng có thời Trung Quốc chủ trương dùng quân sự giải phóng Đài Loan, nhưng khi cải cách, Trung Quốc chuyển sang chủ trương "hòa bình, thống nhất, một nước hai chế độ" và đã vận dụng thành công cho Hongkong và Macao. Đây là cách làm khôn ngoan và sáng suốt, thu hồi nguyên vẹn chủ quyền mà không mất một người lính hay một viên đạn, đồng thời duy trì được phồn vinh phát triển tại hai nơi này. Chính quyền Trung Quốc chỉ nắm về quân sự và ngoại giao, còn bộ máy quản lý, luật pháp, lối sống, nền kinh tế của hai đặc khu này vẫn giữ nguyên.
Đài Loan, với những mâu thuẫn về chính trị trong lịch sử, là trường hợp khó khăn hơn. Trung Quốc có thể sẽ rộng rãi hơn, thậm chí không cần sự có mặt của quân đội, chỉ cần tuyên bố Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc, để với quốc tế, chỉ có một nước Trung Quốc.
Song song với tăng cường giao thương giữa Đài Loan và đại lục (hiện ở Thượng Hải có đến 30 vạn nhà đầu tư Đài Loan), Trung Quốc cũng đang tìm mọi cách hòa hợp dân tộc với Đài Loan trên cơ sở tình cảm, huyết thống. Từ những chuyện nhỏ như tổ chức lễ tết, Trung Quốc cũng cố gắng làm ở Đài Loan như ở đại lục để khơi dậy lòng tự hào về truyền thống, văn hóa, chữ viết chung. Hai bên xác định dù căng thẳng người Hoa cũng không đánh lẫn nhau để rồi tổn thất sinh mạng, thù hận muôn đời và tàn phá đất nước.
Vấn đề hòa hợp với Tân Cương, Tây Tạng lại có tính chất khác. Cách mạng Trung Quốc thành công năm 1949, Tân Cương, Tây Tạng được giải phóng năm 1950, nhưng 60 năm qua, hai nơi này vẫn là mối đe dọa đến sự thống nhất của đất nước Trung Quốc.
Những trở ngại lớn như vấn đề dân tộc (ở Tân Cương là dân tộc Duy Ngô Nhĩ, ở Tây Tạng là dân tộc Tạng), vấn đề tôn giáo (ở Tân Cương là Hồi giáo, ở Tây Tạng là Phật giáo), vấn đề chủng tộc (dân tộc Duy Ngô Nhĩ là người da trắng, dân tộc Tạng là người da đen), cùng với các yếu tố ngoại lai phức tạp khiến việc hòa hợp khó khăn.
Trung Quốc một mặt thực hiện chính sách chính trị mềm dẻo không áp đặt, mặt khác tìm cách cải tạo kinh tế, nâng cao đời sống người dân. Chính quyền Trung Quốc còn đưa người Hán đến để cân bằng cơ cấu dân cư (người Hán ở Tây Tạng hiện chiếm khoảng 40% dân số, còn ở Tân Cương người Hán còn đông hơn người bản địa). Bên cạnh đó là biện pháp quân sự, trấn áp khi có nổi dậy.
Tuy nhiên các biện pháp này đều chỉ phần nào kiểm soát tình hình chứ không giải quyết triệt để vấn đề. Bằng chứng rằng Trung Quốc chưa làm tốt chính là hai biến cố căng thẳng và nghiêm trọng ở Tây Tạng năm 2008 và ở Tân Cương năm 2009.
Nhà nước Trung Quốc cũng chưa chú ý đúng mức đến yếu tố văn hóa. Lãnh tụ tinh thần Dalai Lama của Tây Tạng từng nói không yêu cầu độc lập mà yêu cầu tự trị và bảo lưu văn hóa, lối sống, tín ngưỡng. Có thể thấy để thúc đẩy hòa hợp dân tộc trong trường hợp này phải có biện pháp đồng bộ về kinh tế, chính trị, an ninh, văn hóa, giáo dục...
Việc Trung Quốc đang làm là cố gắng thay đổi hình ảnh cũ để lôi kéo những người ra đi trở về.
Ảnh: TC
Ảnh: TC
Với kiều bào: chọn lọc để thu hút và bảo vệ quyền lợi
Chính sách hiện nay của Trung Quốc với Hoa kiều là mềm dẻo, khôn ngoan, cởi mở và đặc biệt là tạo được lòng tin. Hoa kiều trở về mang theo rất nhiều lợi ích: vốn, khoa học công nghệ mới, kinh nghiệm quản lý tiên tiến từ các nước phát triển... nên họ là đối tượng nhắm đến của một chính sách mang tính chiến lược.
Lãnh tụ cách mạng Trung Quốc Tôn Trung Sơn từng dựa vào các nhân vật dân chủ tiến bộ người Hoa ở hải ngoại để làm cách cách mạng. Ngày nay Trung Quốc còn thành lập Kiều vụ, chuyên phụ trách vấn đề người Hoa hải ngoại, và ngày càng có nhiều chính sách ưu đãi, ưu tiên cho trí thức và doanh nhân Hoa kiều.
Trước khi cải cách mở cửa, các nhà tư sản giàu có hay trí thức học cao người Hoa thường khó trở về do vấp phải những kỳ thị hẹp hòi trong nước. Những người trở về cũng không tránh khỏi tâm lý ngại ngần do sự khác biệt về lối sống, chất lượng sống, văn hóa sống. Suốt mấy chục năm chủ nghĩa cộng sản ấu trĩ giáo điều, người Trung Quốc sống khổ hạnh, bình quân chủ nghĩa, suy nghĩ hẹp hòi, đã gây ấn tượng xấu cho đồng bào hải ngoại. Đặc biệt nghiêm trọng là cuộc Đại cách mạng văn hóa, một cuộc thanh trừng dã man, tàn khốc đã khiến nhiều Hoa kiều nhìn đại lục như "một xã hội cảnh sát".
Giờ đây Trung Quốc đang nỗ lực xóa bỏ ấn tượng xấu và mở cửa để thu hút, lôi kéo nhân tài Hoa kiều về nước. Đã và đang có nhiều người Hoa học tập ở nước ngoài trở về phục vụ tổ quốc; với những người chưa về hoặc không về, chính phủ Trung Quốc cũng không kỳ thị. Họ chủ trương "nuôi gà thả, không nuôi gà nhốt" - ai muốn học, muốn ở nước nào đều được chấp nhận, vì họ tin tưởng rồi người Trung Quốc cũng sẽ hướng về tổ quốc.
Việt Nam sau một thời gian đóng cửa, nay cũng đang dần có chính sách rộng mở hơn với kiều bào. Tuy nhiên sự miễn cưỡng, thận trọng, cảnh giác vẫn đang khiến khoảng cách giữa đất nước và kiều bào chậm thu hẹp. Đã có nhiều Việt kiều trở về đầu tư tiền bạc và trí tuệ cho đất nước, những người chần chừ có lẽ còn chưa thoải mái về mặt chính trị hoặc chưa thực sự thấy sự ưu tiên, đãi ngộ từ trong nước.
Nhưng điểm đáng chú ý trong chính sách đối với Hoa kiều của Trung Quốc là yếu tố "thích hợp với lợi ích của Trung Quốc". Trung Quốc không mong muốn và không có chính sách lôi kéo tất cả mấy chục triệu người Hoa hải ngoại trở về (Trung Quốc hiện nay quá đông dân, đã phải hạn chế sinh đẻ đến mức quyết liệt), mà chọn lọc những đối tượng có lợi cho đất nước, như những chuyên gia có trình độ và những nhà đầu tư có vốn.
Đối với Hoa kiều nói chung, Trung Quốc có chính sách bảo vệ quyền lợi, sứ quán Trung Quốc ở các nước có trách nhiệm bảo vệ công dân của mình ở nước sở tại, đảm bảo cho người Hoa tồn tại và phát triển phồn vinh không chỉ trong nước mà cả trên thế giới.
Người Hoa ở đâu cũng vẫn là người Hoa
Trong thời đại toàn cầu hóa và giao lưu quốc tế, con số hơn 60 triệu người Hoa hải ngoại lại là một lợi thế. Trung Quốc cùng lúc khuyến khích Hoa kiều trở về và người Trung Quốc đi ra thế giới. Một mặt họ thu hút vốn và chất xám của thế giới về Trung Quốc, mặt khác họ đưa vốn và lao động Trung Quốc ra nước ngoài càng nhiều càng tốt qua việc tăng cường đầu tư ở các nước đang phát triển.
Hoa kiều nổi tiếng thế giới về sự gắn kết. Người Việt có thể cảm nhận rõ nhất ở cộng đồng người Hoa đã có ở Việt Nam từ nhiều thế kỷ. Đây là một đặc điểm rất đáng học tập của người Trung Quốc. Sự cố kết này là một đặc điểm thâm căn cố đế. Người Trung Quốc chung nhau một "tư tưởng đại Hán" có lịch sử lâu đời, có nền tảng triết học là Khổng giáo, vốn đề cao tập thể, cộng đồng.
Không những người Hoa trên thế giới gắn kết mà người nước ngoài đến Trung Quốc cũng bị hoà tan. Một dân tộc khác cũng gắn kết rất mạnh là dân Do thái (điều giúp họ tồn tại và tập hợp thành quốc gia Israel) đến Trung Quốc cũng bị đồng hoá và không giữ được bản sắc.
Nhiều dân tộc khác không có sự cố kết như vậy. Dân tộc Arập có chung địa chính trị và ngôn ngữ mà vẫn chia thành 8 quốc gia hiếm khi có sự thống nhất. Người Đức, người Pháp, người Hungary... đi sang nước khác cũng không giữ được bản sắc của dân tộc mình.
Người Việt trên thế giới cũng chưa thực sự có được sự cố kết như vậy, nhưng nguyên nhân không phải do họ chỉ nghĩ cho cá nhân mà không nghĩ đến đất nước. Trong nội bộ người Việt vẫn còn những hiểu lầm và thiếu tin tưởng. Trong những người ra đi vẫn còn có một số tư tưởng đối địch về chính trị nên cần có thời gian để hóa giải.
Hoà hợp dân tộc còn là với nội bộ
Trong nước, Trung Quốc cũng có những chính kiến, quan điểm, đảng phái, lập trường giai cấp khác nhau, cũng có bên thắng bên thua sau những cuộc chiến tranh, giờ cùng nhau xây dựng chế độ mới, nên hoà hợp dân tộc còn là vấn đề đặt ra ngay trong nội bộ chứ không chỉ với hải ngoại.
Về vấn đề này Trung Quốc đã từng phạm sai lầm cực đoan. Sau khi nước CHND Trung Hoa ra đời, các lực lượng chính trị ở Trung Quốc tập hợp trong mặt trận Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc, gọi tắt là Chính Hiệp, thực hiện chế độ hợp tác đa đảng (8 đảng và tổ chức dân chủ) dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản, cùng nhau bàn việc nước và tham gia chính quyền. Đường lối đó của Mao Trạch Đông đúng và hay, nhưng thực tế đã thực hiện sai, dẫn đến trấn áp, từ phong trào chống phái hữu đến đỉnh cao là Đại cách mạng văn hoá, vô hiệu hoá các đảng phái khác, không đạt được mục đích tập hợp lực lượng toàn dân tộc.
Bước vào thời kỳ cải cách, lãnh đạo Trung Quốc từ Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân đến Hồ Cẩm Đào đã dần khôi phục nguyên tắc hợp tác này, phát huy vai trò của mặt trận Chính Hiệp trong việc khơi dậy hoà hợp dân tộc, cùng xây dựng đất nước.
Nguồn:vpubnd.laichau.gov.vn Copy link