Đại tướng của làng mình
Làng là nói cả tỉnh Quảng Bình. Có một người con sinh ra, trưởng thành, làm tới Bộ trưởng Quốc phòng, hàm Đại tướng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mà hình như ở Quảng Bình, ai cũng có thể tự hào gọi là Đại tướng của làng mình.
Và hình như Đại tướng cũng hiểu điều đó, nên mỗi chuyến có dịp về thăm quê, ngoài cái nơi sinh ông ra (làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy) thì ông còn tranh thủ tới thăm rất nhiều làng quê khác. Có chuyến ông ra tới làng Quang Phú, thăm mệ Nghèng - anh hùng lao động, đã không quản tuổi cao, sức yếu, vận động các mẹ, các chị trong làng trồng hàng chục héc ta rừng chắn cát.
Có lần ông lại ra làng Lý Hòa, ghé biển Đá Nhảy, nằm nghỉ trên võng, dưới vi vu những hàng phi lao biển, thư thái ngắm trời, ngắm biển, như ông đang ngồi thiền.
Mỗi lần ông về, ông đi nhiều lắm, càng có tuổi, mỗi lần về Quảng Bình ông càng tranh thủ đi nhiều. Quê hương của Đại tướng, là toàn cõi Việt, là cái mảnh quê "cồn cát chang chang" Quảng Bình, là xóm nhà nhỏ bên dòng Kiến Giang đã nâng bước ông từ thuở ấu thơ.
Đến ngày sinh nhật ông, ngày 25-8, người dân Quảng Bình đều ngóng ông về. Nay ông đã già yếu, thì cầu mong cho ông khỏe. Với Quảng Bình, ông như động cát cao nhất, già nhất, thủy chung nhất.
Điệp trùng những cồn cát Quảng Bình nhìn xa trông như bầu vú mẹ, lớp lớp vú mẹ đã sinh ra lớp lớp những đứa con vùng cát. Và trong muôn vạn đứa con sinh thành, có một người con trai tên là Võ Nguyên Giáp. Ông đã lớn lên từ mảnh làng cát trắng, lũ lụt, chua phèn, để rồi trở thành người đứng đầu Quân Đội.
Với cả nước, Đại tướng là vị tướng huyền thoại, với những người Quảng Bình như chúng tôi, hơn thế, ông là thần tượng, là một người ĐÀN ÔNG Quảng Bình mà chúng tôi phải học tập và noi theo một cách tự nguyện với tấm lòng tôn kính.
Tôi chỉ gặp được Đại tướng một lần. Và điều mà ông làm tôi không thể quên chính là nỗi nhớ quê của ông. Ông nhớ cả những quán bánh bèo, bánh cuốn ở Thị xã Đồng Hới xưa ngày ông còn thơ bé. Hàng ngày, hàng giờ, ông đọc báo, xem ti vi, cứ có gì về Quảng Bình, đặc biệt là những việc làm chưa tốt, ông "neo" lại rồi viết thư, gọi điện, nhắn hỏi tỉnh nhà, cần phải làm tốt hơn, cần phải đoàn kết.
Tất cả những lần ông nói chuyện với Quảng Bình, ông không quên hai chữ đoàn kết. Ông nói đó là tinh thần của Bác Hồ. Và chúng tôi hiểu, suốt cuộc đời cống hiến cho cách mạng của ông, ông có lẽ thấm thía vô cùng hai chữ Đoàn kết. Hai chữ Đoàn Kết - Bác Hồ đi suốt theo ông ở những bài phát biểu, nói chuyện, tâm sự.
Ngày ông không còn giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng, người Quảng Bình buồn, có người lặn lội ra Hà Nội gặp ông để hỏi cho ra mọi nhẽ "Vì sao Bác lại bị thôi chức?" "Vì sao Bác nghỉ" - "Vì sao Bác không có ý kiến?". Đó là sự thật. Và ông mỉm cười hiền từ:"Mình vẫn đang làm việc cho cách mạng đấy chứ. Bác Hồ nói, Dĩ công vi thượng".
Anh Tấn Lộc là cháu ruột của Đại tướng, ngày tốt nghiệp sĩ quan, khi đó ông là Bộ trưởng Quốc phòng, mẹ anh Tấn Lộc (em gái Đại tướng) tới gặp Đại tướng để xin cho con trai mình ở Hà Nội. Ông hỏi anh Tấn Lộc, tổ chức phân cho cháu đi đâu? Tấn Lộc nói, dạ, vào miền Nam ạ. Ông gật đầu, tốt, thanh niên trẻ phải đi xa, phải chấp hành sự điều động của Quân đội. Mẹ anh Tấn Lộc phụng phịu, tôi là em gái anh, anh làm Bộ trưởng thì tôi mới nhờ anh, anh còn nói thế. Đại tướng cầm tay em gái mình mỉm cười hiền hậu.
Người làng ông nói, sau Đại tướng, con cháu của làng không còn ai làm to nữa. Những người biết nghĩ thì tự hào, ông đã là một tấm gương, con cháu theo đúng sức của con cháu mà phấn đấu, mà cống hiến, không ai phải lớn lên, phải thành danh dưới cái bóng che chở của ông. Người Quảng Bình nghèo nhưng vững tâm, vững chí, thủy chung và đầy lòng tự trọng. Ông muốn con cháu mình trước khi làm điều gì đó lớn lao, trước hết phải là một người tử tế.
Tôi chơi thân với anh Võ Điện Biên, con trai Đại tướng, rồi biết thêm những thành viên trong nhà. Ai cũng là công chức bình dị. Đến như Võ Điện Biên làm công ty, cũng chỉ đủ sống để nuôi vợ con và sống bình dị. Vào phòng giám đốc Võ Điện Biên, chỉ thấy bốn quanh tường đều là sách, tác phẩm của Đại tướng, của các tác giả và các hãng thông tấn, các nhà xuất bản viết về Đại tướng. Trên bàn làm việc của anh Biên cũng thế. Vì anh Biên như vậy nên vẫn là giám đốc nghèo thôi. Anh không nhờ vào bóng ai để kiếm sống, anh sống bằng chính những gì anh học được ở sách: nhân cách một con người tử tế.
Lớp người Quảng Bình chúng tôi học được ở ông rất nhiều- học được nhiều từ vị Đại tướng của làng mình: Đó là sự tự lập, là ý chí vươn dậy, là lòng dũng cảm, lòng thương người và trên tất cả những điều đó là tình yêu cháy bỏng với quê hương, đất nước mình. Để làm được thế, như ông, có một chữ NHẪN, nhẫn mà không hạ mình, nhẫn mà không hèn, nhẫn không cho cá nhân mình mà cho cả giang sơn.
Chúng tôi lớn lên, có ngay trong hành trang ý thức một hình tượng về người đàn ông làng mình mang tên Võ Nguyên Giáp. Chỉ cần thế thôi, học ông thôi, noi theo ông thôi, đã có thể trở thành một người tử tế, đã có thể ngẩng cao đầu mà bước, và trở nên có ích cho đất nước.
Vì ông là một con người LỚN, một con người TỬ TẾ của tất cả chúng tôi.
Nguồn:vpubnd.laichau.gov.vn Copy link