Thứ bảy, 05/07/2025 - 12:50
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cử tri với việc lựa chọn người đại biểu nhân dân

Chỉ còn ít ngày nữa, cử tri cả nước sẽ tham gia đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 -2016 nhằm tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
 

Đây thực sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, mọi cử tri sẽ thực hiện quyền làm chủ của mình, lựa chọn những người có đức, có tài, xứng đáng tham gia các cơ quan quyền lực Nhà nước từ Trung ương tới cơ sở.

 

Làm tốt việc này sẽ góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Do đó, mỗi cử tri trong cả nước phải coi đây là quyền lợi, là trách nhiệm tham gia xây dựng Nhà nước, vì lợi ích và hạnh phúc của chính mình.

 

 

Để cử tri lựa chọn được những đại biểu đại diện quyền làm chủ của mình một cách xứng đáng, có nhiều việc phải làm, trước hết cần tập trung làm tốt những việc chính như:

 
 Thứ nhất, cử tri cần nhận rõ vai trò của các cơ quan đại diện quyền lực cao nhất của nhân dân.
 
Cử tri chọn những người đại biểu nhận rõ trách nhiệm của mình là người đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân, được nhân dân ủy quyền thực thi các nhiệm vụ nhằm bảo vệ lợi ích của nhân dân. Chủ  tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ, các đại biểu Quốc hội không phải đại diện cho một đảng phái nào mà đại diện cho toàn thể  Quốc dân Việt Nam.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định, Quốc hội ta là Quốc hội của toàn dân, được bầu ra theo luật tuyển cử rất dân chủ. Vì vậy, Quốc hội là tiêu biểu cho tình đoàn kết của nhân dân, cho chí khí quật cường của dân tộc, cho quyết tâm độc lập, thống nhất của toàn thể đồng bào.
 
Cử tri cũng chọn những đại biểu hiểu sâu, hiểu kỹ tính chất Nhà nước ta là thật sự của nhân dân, phục vụ quyền lợi của nhân dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần căn dặn.
 
Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND nếu họ không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Nhân dân có quyền kiểm soát những người đại biểu của mình. Nhân dân chọn lựa, bầu những người một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân; họ thật sự muốn lo việc nước, thật sự trong sạch về đạo đức, lối sống, trong sáng trong ý thức chính trị, tư tưởng, vững vàng và trung thành với mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH.
 
Nhân dân bầu chọn những người xứng đáng gửi gắm lòng tin của mình chứ không phải bầu “lầm” ai đó coi việc tham gia làm đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp là để làm quan phát tài, nơi thăng quan tiến chức nhằm mưu cầu lợi ích cá nhân.
 
Thứ hai, cử tri nắm chắc các tiêu chuẩn người đại biểu nhân dân khi bầu cử.
 
Muốn bảo đảm chất lượng của Quốc hội, HĐND các cấp, trước hết, cơ bản là chất lượng của từng đại biểu mà nhân dân đã lựa chọn, bầu cử. Vì thế, nhân dân phải là người nắm chắc yêu cầu, tiêu chuẩn người đại diện quyền làm chủ của mình khi cầm lá phiếu thực hiện quyền bầu cử.
 
Cử tri phải hiểu sâu sắc Quốc hội của chúng ta là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
 
Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp, quyết định những chính sách cơ bản về đối nội, đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của nhân dân, thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước. HĐND là cơ quan quyền lực của Nhà nước ở địa phương, đại diện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.
 
Để làm tròn những nhiệm vụ và trọng trách đó, cử tri khi bỏ phiếu bầu cử, cần chọn những đại biểu nhân dân có các tiêu chuẩn sau:
 
Một là, tuyệt  đối trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, phấn đấu thực hiện công cuộc Đổi mới, vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đấy chính là khát vọng của nhân dân, là vận mệnh của Tổ quốc, của chế độ XHCN mà nhân dân ta xây dựng, bảo vệ.
 
Hai là, có phẩm chất đạo đức trong sáng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Dám đương đầu và kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, tham ô, lãng phí, quan liêu, cửa quyền, hống hách với nhân dân cũng như các hành vi vi phạm pháp luật. Trong điều kiện kinh tế thị trường, họ phải thật sự trong sạch, nói đi đôi với làm, gia đình vợ con (chồng con) sống gương mẫu, có uy tín với nhân dân, sống bằng thu nhập lao động chân chính của mình, không xa hoa, lãng phí.
 
Ba là, có trình độ, năng lực thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tham gia quyết định những vấn  đề quan trọng của đất nước, của địa phương. Trong điều kiện tình hình trong nước và thế giới có nhiều biến động, chúng ta hội nhập với thế giới hiện đại, khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, xu thế toàn cầu hóa, đòi hỏi những người đại biểu có trọng trách với dân, với nước phải là người có trình độ hiểu biết sâu rộng, có khả năng phân tích, xử lý thông tin, có trình độ tham gia đúng đắn vào những quyết sách trọng đại của đất nước, của địa phương.
 
Bốn là, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và tôn trọng nguyện vọng chính đáng của nhân dân, được nhân dân tin cậy. Trong công việc và đời sống hàng ngày, người đại biểu nhân dân phải gắn bó với nhân dân. Đặc biệt những kỳ tiếp xúc cử tri, họ phải có trách nhiệm trước dân, tuyên truyền giải thích cho dân hiểu, hiểu những điều cần nói, hứa với dân và giải quyết những đề nghị chính đáng của dân. Tuyệt đối không tiếp xúc cử tri cho phải phép, hình thức, hứa rồi để đấy, lần sau lại hứa, làm mất lòng dân.
 
Năm là, bầu chọn những người có đủ điều kiện tham gia hoạt động của Quốc hội và HĐND. Đó là những điều kiện khách quan, chủ quan để họ đảm đương được trách nhiệm của mình. Tránh những người ôm đồm quá nhiều việc, việc gì cũng to, cũng bận, làm sao có thì giờ ngồi họp Quốc hội hàng tháng trời bàn việc nước. Hoặc những người yếu sức khỏe, không đủ sức lực suy nghĩ, chỉ đạo, giải quyết công việc. Cho nên, cử tri chỉ chọn những người thực chất làm việc, những ai muốn làm việc thật sự và làm việc được cho đất nước.
 
Sáu là, kết hợp hài hòa giữa tiêu chuẩn, chất lượng với cơ cấu, trong đó chất lượng là cơ bản. Cơ cấu cũng cần thiết nhưng phải trên cơ sở tiêu chuẩn chất lượng. Có như vậy, Quốc hội, HĐND mới thực sự là tổ chức, cơ quan hoạt động sôi động tích cực, thiết thực đáp ứng những yêu cầu của xã hội mà nhân dân trông đợi./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Bản đồ địa giới hành chính
Dịch vụ công trực tuyến
Dịch vụ công trực tuyến
Thống kê truy cập
Hôm nay : 134
Hôm qua : 270
Tổng số : 2.412.504,58