Chấn chỉnh công tác tiếp công dân trên địa bàn tỉnh
![]() |
UBND tỉnh Chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân; thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiếp công dân định kỳ và đột xuất gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo; công khai lịch tiếp công dân trên Cổng thông tin điện tử và niêm yết tại Trụ sở cơ quan, đơn vị.
Trong thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân ngày càng được quan tâm hơn. Nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành và đội ngũ công chức tiếp công dân có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài đã được giải quyết kịp thời, hạn chế phát sinh khiếu kiện đông người, vượt cấp. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo từng bước được chấn chỉnh theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn còn tình trạng né tránh, đùn đẩy tiếp công dân, xem nhẹ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác dự báo, nắm tình hình, làm rõ nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo chưa kịp thời nên dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài, đông người, vượt cấp, diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình tại Công văn số 7495/VPCP-V.I ngày 07/8/2018 về việc chấn chỉnh công tác tiếp công dân; Để nâng cao trách nhiệm và hiệu quả trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh có ý kiến như sau:
1. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Luật Tiếp công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, coi công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của các cơ quan, đơn vị.
2. Chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân; thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiếp công dân định kỳ và đột xuất gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo; công khai lịch tiếp công dân trên Cổng thông tin điện tử và niêm yết tại Trụ sở cơ quan, đơn vị.
3. Khi phát sinh khiếu kiện đông người, phức tạp, người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo làm rõ nguyên nhân, nội dung, xem xét toàn diện vụ việc, tổ chức đối thoại công khai ngay tại nơi xảy ra khiếu kiện; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan hành chính Nhà nước, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tiếp công dân đồng thời có biện pháp giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng quy định của pháp luật ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở không để kéo dài, tái khiếu kiện gây mất an ninh trật tự.
4. Chịu trách nhiệm về tình hình tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền được giao. Trong trường hợp địa phương, đơn vị nào để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người, xảy ra điểm nóng thì người đứng đầu địa phương, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh.
5. Bố trí địa điểm tiếp công dân thuận lợi, đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ việc tiếp công dân. Niêm yết công khai nội quy, Quy chế, lịch tiếp công dân theo đúng quy định. Bố trí công chức có đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm, phẩm chất đảm nhận công tác tiếp công dân thường xuyên.
6. Tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với thủ trưởng và cán bộ, công chức của các cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới, tập trung vào những nơi có nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp, đông người; kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém, xử lý công khai, nghiêm minh những cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
7. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tăng cường vận động, thuyết phục để người dân hiểu, chấp hành đúng chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quyết định giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
8. Có biện pháp kịp thời, xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật đối với các trường hợp lợi dụng khiếu nại, tố cáo để kích động, gây rối, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo người khác tập trung đông người khiếu nại, tố cáo, gây mất an ninh, trật tự công cộng; cố tình khiếu nại, tố cáo sai sự thật; lợi dụng khiếu nại, tố cáo để tuyên truyền chống nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; xuyên tạc, vu khống, đe dọa, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo, người thi hành nhiệm vụ, công vụ khác; vi phạm nội quy, quy chế tiếp công dân.
Giao Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với Văn phòng uỷ ban nhân dân tỉnh theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các sở, ban, ngành; các huyện, thành phố triển khai thực hiện các nội dung trên và định kỳ báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Nguồn:vpubnd.laichau.gov.vn Copy link